Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển
Cập nhật lúc: 29/08/2022 21:08 358
Cập nhật lúc: 29/08/2022 21:08 358
Nhằm sớm đưa Nghị quyết số 11-NQ/TW đi vào cuộc sống, ngày 27/8/2022, tại tỉnh Lào Cai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức Hội nghị Công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW; Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển” dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Trần Duy Dông tham dự Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương: Bí thư, Chủ tịch và các Sở, ngành của địa phương trong vùng, một số tỉnh, thành phố trong Vùng và các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Vùng, mở ra “cơ hội mới” cho vùng đất “phên giậu” của Tổ quốc.
Đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trình bày tham luận nhằm góp phần quan trọng tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và đổi mới tư duy của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, từ đó tạo sự thống nhất trong hành động, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu. Ảnh: MPI |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã trình bày Báo cáo tham luận về Tư duy mới về phát triển nông nghiệp bền vững Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và cho rằng, đặc thù địa hình và địa lý tự nhiên, giao thông kết nối cùng khó khăn khác không hẳn ngăn cản sự phát triển kinh tế chung và ngành nông nghiệp nói riêng của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Đồng thời nhấn mạnh, để có thể thúc đẩy phát triển các hoạt động nông nghiệp mang tính bền vững thì rất cần thêm cơ sở hạ tầng giao thông tốt hơn như cầu đường, sân bay,…Những cách tiếp cận mới sẽ tạo ra nhiều điểm đến được hiện diện trên bản đồ du lịch thế giới khi kinh tế tăng trưởng bao trùm ở tất cả địa phương trong Vùng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu. Ảnh: MPI |
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, giao thông có chức năng liên kết vùng, giao thông đi đến đâu, kinh tế phát triển đến đấy. Vì vậy phát triển hạ tầng giao thông là rất quan trọng. Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ còn khó khăn chủ yếu là do giao thông kết nối còn hạn chế. Đường bộ quốc gia tuy có 11 tuyến cao tốc, và đây là phương thức vận tải chủ yếu, quan trọng nhất, giữ vai trò kết nối vùng với thủ đô Hà Nội, kết nối liên tỉnh, kết nối các cửa khẩu quốc tế (Trung Quốc, Lào), nhưng còn nhỏ hẹp.
Bên cạnh đó, đường sắt cũng còn nhỏ hẹp. Đường hàng không có Cảng hàng không Điện Biên nhưng đang khai thác hạn chế, Cảng hàng không Nà Sản xuống cấp nên đã tạm dừng khai thác; mạng lưới đường tỉnh có quy mô và chất lượng thấp… Do vậy, trong thời gian tới cần tập trung nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhằm tạo động lực tăng trưởng cho vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu. Ảnh: MPI |
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung và vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ nói riêng.
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi tích cực diện mạo của Vùng.
Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh,là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, giàu tài nguyên và có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ nhưng đây vẫn là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo" của cả nước mà một trong những nguyên nhân được thẳng thắn nhìn nhận là "chưa khai thác được nhiều nguồn lực, thiếu thể chế cho liên kết". Vì vậy, việc tìm ra những giải pháp mạnh mẽ, đột phá để vừa "tạo thêm", vừa "tạo mới" động lực để "phẳng hóa vùng trũng", góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.
Bám sát những định hướng tại Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và các giải pháp tại Nghị quyết 96/NQ-CP của Chính phủ, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong nêu một số giải pháp tạo động lực cho Vùng.Một là,đổi mới tư duy về liên kết vùng: Các địa phương cần xác định "tư duy liên kết" chính là bộ phận không thể tách rời của “tư duy phát triển”; liên kết là phát triển và muốn phát triển phải liên kết.
Mỗi địa phương xác định là một mắt xích quan trọng trong vùng; một mắt xích riêng lẻ rất yếu nhưng khi liên kết lại sẽ trở thành một sợi dây xích khỏe, đủ sức vận hành cả cỗ máy.
Hai là,cần xác định, nhận thức rõ bản chất, nội hàm của liên kết để cụ thể hóa và xác định thứ tự, nội dung ưu tiên thực hiện: Nhiệm vụ trọng tâm là cần sớm hoàn thành Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đồng bộ với quy hoạch tỉnh của các địa phương; bảo đảm tính liên kết tổng thể trong nội dung quy hoạch. Sớm thành lập và ban hành Quy chế của Hội đồng điều phối vùng, trong đó nghiên cứu cơ chế phân cấp đủ mạnh cho Hội đồng thực hiện nhiệm vụ phê duyệt các định hướng, chương trình phát triển kinh tế của vùng.
Lựa chọn liên kết hạ tầng là trọng tâm, với hạ tầng giao thông làm khâu đột phá: Trong đó thay đổi cách thức định hướng quy hoạch giao thông (đường bộ, cao tốc, tiền cao tốc; cảng hàng không; ga đường sắt...) theo hướng mở, linh động để các địa phương chủ động cân đối, điều chỉnh nguồn lực phù hợp với từng giai đoạn phát triển với mục tiêu cuối cùng là tăng khả năng liên kết; giảm sâu thời gian, chi phí lưu thông hàng hóa nội vùng, ngoại vùng.
Bảo đảm tính toàn diện trong liên kết theo hướng "ưu tiên liên kết thế mạnh"; "tập trung liên kết bổ trợ" và "chú trọng liên kết yếu điểm". Đồng thời mở rộng liên kết, không chỉ trong vùng, liên vùng, với các nhà đầu tư… Chính từ sự liên kết toàn diện nêu trên sẽ "biến thách thức thành cơ hội; tiềm năng thành tiềm lực; tiềm lực thành nguồn lực" cho Vùng phát triển kịp với vùng kinh tế động lực khác.
Ba là,cần cụ thể hoá Nghị quyết, Chương trình hành động cho vùng kinh tế đặc thù bằng cơ chế, chính sách đặc thù: Trong đó cần chủ động, mạnh dạn đề xuất và quyết tâm thực hiện các cơ chế thí điểm như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng đó là "Những việc chưa có quy định hoặc đã có quy định vượt quá thực tiễn thì mạnh dạn đề xuất làm thí điểm", với chính sách riêng biệt nhằm ổn định cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhất là tại khu vực biên giới gắn với khôi phục, bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên rừng và nguồn sinh thủy cho vùng Bắc Bộ.
Ngoài ra, cần có cơ chế về phân bổ, phân chia Ngân sách theo hướng tăng tỷ lệ để lại cho địa phương các nguồn thu, nguồn vượt thu phát sinh trên địa bàn mà Trung ương đang được hưởng; xây dựng cơ chế chia sẻ, khai thác hiệu quả, bền vững; bảo đảm an ninh nguồn nước trên các sông, suối biên giới; nghiên cứu phương án chỉnh trị sông phục vụ đa mục tiêu (cho công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp...); Ban hành cơ chế đặc thù về nguồn lực, thu hút đầu tư cho các địa phương có Khu du lịch Quốc gia để gia tăng giá trị của ngành.
Bốn là,đi đôi với tạo nguồn lực là sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực hiện có, trọng tâm là sớm hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của vùng gắn với Chuyển đổi số; được Hội đồng điều phối vùng chuẩn hóa và thống nhất quản lý.
Ông Đặng Xuân Phong cho rằng,để hoàn thành thắng lợi Nghị Quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Lào Cai đề xuất với Chính phủ quan tâm, chỉ đạo một số nội dung như, sớm triển khai xây dựng đề án phát triển một số cực tăng trưởng, trung tâm kết nối vùng theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, riêng biệt để tạo nguồn lực thúc đẩy liên kết - phát triển vùng và tạo sự bứt phá cho các địa phương./.
Nguồn : Bộ Kế hoạch và Đầu t
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0