Động lực từ các dự án giao thông trọng điểm
Cập nhật lúc: 20/06/2023 08:39 449
Cập nhật lúc: 20/06/2023 08:39 449
Sáng 18/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công 3 dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1. Các dự án đi qua 7 tỉnh, thành phố gồm: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và Đắk Lắk.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến khảo sát cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vào tháng 7/2022. |
Tạo không gian phát triển mới
3 dự án trọng điểm đồng loạt tổ chức khởi công trong sáng 18/6 có tổng chiều dài 247 km, tổng vốn đầu tư 115.000 tỷ đồng. Đây là chuỗi dự án trọng điểm của ngành giao thông được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm và trao nhiều cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong đó, Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5 km. Dự án được xem là công trình “kết nối rừng với biển”, được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế - xã hội hai tỉnh phát triển. Ông Y Vin Êban (Trưởng buôn Chàm A, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) cho biết, xã Cư Drăm cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 120 km, đường sá đi lại rất khó khăn. Hiện nay, người dân trong xã chủ yếu trồng dứa nhưng do đường quá xấu nên quá trình vận chuyển dứa dễ bị dập nát, thương lái thu mua với giá thấp. Nay cơ quan chức năng đã tổ chức Lễ khởi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua vùng trung tâm của xã nên bà con hết sức vui mừng và ngóng chờ dự án hoàn thành. Khi có cao tốc, các mặt hàng nông sản của người dân trong xã sẽ được vận chuyển thuận lợi, giá cả tăng lên, đời sống bà con mới phát triển được.
Thiết bị của nhà thầu thực hiện nghi thức động thổ Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. |
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị khẳng định, đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Đây cũng là tuyến đường chiến lược nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối hành lang vận tải Đông – Tây. Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh của hai tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ với Tây Nguyên...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý III/2023, chậm nhất là ngày 31/12/2023. Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở, có công việc và sinh kế mới ít nhất phải bằng và tốt hơn nơi cũ. |
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao nhất, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương, sự đồng thuận của nhân dân hai tỉnh trong việc bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Tỉnh Đắk Lắk cam kết với Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chủ đầu tư cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh, khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại, đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng sạch cho đơn vị thi công trước ngày 31/12/2023. Đồng thời giám sát, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thi công, tư vấn thực hiện Dự án thành phần 3 đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thực tế đã minh chứng, giao thông vận tải nói chung và đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng chiến lược phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhất là về kinh tế - xã hội, có thêm nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch, khu vui chơi, giải trí, các thiết chế văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao và quỹ đất được khai thác hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ, kết quả khởi công là rất đáng ghi nhận, rất đáng trân trọng, tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức. Do vậy đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan phải tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại, trong đó có nhiều vị trí tập trung đông dân cư, dễ phát sinh các khiếu nại; chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong cấp phép khai thác; thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết.
Mục tiêu 3.000 km cao tốc không còn xa
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Bản đồ hướng tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh do chủ đầu tư cung cấp |
Bộ Giao thông vận tải thông tin, trong giai đoạn 2000 - 2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác 1.163 km đường bộ cao tốc. Từ năm 2021 đến nay, cả nước tiếp tục đưa vào khai thác thêm 566 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc đang khai thác của cả nước lên 1.729 km. Đây là kết quả rất đáng trân trọng, để lại những bài học, kinh nghiệm rất quý giá để triển khai hiệu quả hơn, tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, cả nước cần phải triển khai đầu tư, xây dựng gấp gần 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong hơn 20 năm trước. Trong đó, đến 2025, cần đạt được ít nhất 3.000 km cao tốc và giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu có thêm 2.000 km nữa. Các dự án khởi công từ đầu năm 2023 có tổng chiều dài 1.406 km, đi qua nhiều tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, là các dự án trọng điểm quốc gia có tính kết nối vùng cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng: “Cùng với 1.729 km đã đưa vào khai thác và tổng chiều dài đường cao tốc của các dự án đang thi công, đã và chuẩn bị khởi công đến hết tháng 6/2023 là 1.756 km, nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt thì cơ bản chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km vào năm 2025”.
Nguồn: Báo Đắk Lắk
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0