Đắk Lắk đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư
Cập nhật lúc: 05/09/2024 08:07 339
Cập nhật lúc: 05/09/2024 08:07 339
Với vị trí đắc địa nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk là nơi hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh và có nhiều thuận lợi trong giao thương kinh tế và văn hóa; nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, mạng lưới giao thông đường bộ, đường hàng không thuận lợi, dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn. Đắk Lắk đã và đang trở thành điểm đến tin cậy để nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn lựa chọn làm nơi triển khai thực hiện nhiều dự án quy mô lớn.
Phát huy nội lực, tiềm năng để phát triển, tỉnh Đắk Lắk tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm mời gọi, thu hút đầu tư theo hướng đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư cả về nội dung và phương thức. Trong đó, chú trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: công nghiệp chế biến sâu, năng lượng tái tạo, cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp phần mềm, gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học – công nghệ.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cũng rất quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; phát triển, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành dịch vụ có tiềm năng và giá trị tăng cao như: du lịch sinh thái, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, logistics, giáo dục, y tế, khoa học…; phát triển hệ thống ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ cho nền kinh tế.
Kết quả thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã phản ánh sự cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Lắk trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 – 2023, thu hút đầu tư toàn tỉnh đạt gần 113.000 tỷ đồng, chiếm 35% tổng GRDP theo giá hiện hành; có khoảng 3.911 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 53.350 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 12.775 doanh nghiệp. Trong 3 năm, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư 53 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 23.890 tỷ đồng; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư 75 dự án, xem xét lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá 8 dự án, xem xét lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu 6 dự án. Số dự án mới và tổng vốn đăng ký đầu tư đều tăng cho thấy dòng vốn đã được “chuyển đổi” thành nhà máy, dây chuyền sản xuất. Các dự án đầu tư vào sản xuất- kinh doanh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó nổi bật là các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, nhà ở…
Từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, cùng với các chính sách tháo gỡ của trung ương về mặt cơ chế chính sách, các nỗ lực của địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư, tình hình thu hút đầu tư của tỉnh có tín hiệu khởi sắc. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 9 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư 2.736 tỷ đồng; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư 18 dự án (trong đó 03 dự án tăng tổng vốn đầu tư từ 230 tỷ đồng lên 460 tỷ đồng); thống nhất tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu 1 dự án. Bên cạnh đó, có 83 nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh, trong đó có 2 nhà đầu tư nước ngoài và 81 nhà đầu tư trong nước.
Để đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk, ngày 31/7/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2082/QĐ-UBND về danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh đến năm 2025, trong đó có 36 dự án thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp và chế biến các sản phẩm nông nghiệp (8 dự án, tổng vốn đầu tư: 165 tỷ đồng); công nghiệp – xây dựng (13 dự án, tổng vốn đầu tư: 2.506,3 tỷ đồng); thương mại, dịch vụ, du lịch (8 dự án, tổng vốn đầu tư: 1.102,13 tỷ đồng); thể thao (3 dự án, tổng vốn đầu tư: 521,703 tỷ đồng); môi trường (2 dự án, tổng vốn đầu tư: 398 tỷ đồng); giáo dục và y tế (2 dự án, tổng vốn đầu tư: 18,6 tỷ đồng).
Với những nỗ lực trên, chắc chắn trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ đạt được mục tiêu về thu hút đầu tư, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0