Cần tư duy lại để khai thác giá trị nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên
Cập nhật lúc: 30/10/2024 15:26 80
Cập nhật lúc: 30/10/2024 15:26 80
Tại đầu cầu trực tuyến của Bộ NN-PTNT, Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Tham dự trực tiếp hội nghị có ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh vùng Tây Nguyên; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, Hiệp hội Doanh nghiệp Úc, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt – Nhật, Hiệp hội Người Việt Nam ở nước ngoài; đại diện các ngân hàng và hơn 100 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã.
Vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, toàn diện và bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.
Ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu khai mạc hội nghị. |
Tây Nguyên hiện có trên 5 triệu ha đất nông nghiệp; khí hậu thuận lợi để phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả. Tây Nguyên đang trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước, với trên 668.500 ha cà phê (chiếm 96% diện tích cả nước); trên 228.000 ha cao su (chiếm 24,6%), 77.600 ha hồ tiêu (chiếm 66%), 75.500 ha sầu riêng (chiếm 50%), 6.700 ha chanh leo (chiếm 70%). Về chăn nuôi có trên 4 triệu con gia súc, 30 triệu con gia cầm...
Nhờ những chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ và sự nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương, Tây Nguyên đã có những bước tiến vượt bậc sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa IX. Quy mô kinh tế vùng tăng trưởng nhanh chóng, năm 2020 đạt khoảng 287.000 tỷ đồng, gấp 14 lần so với năm 2002. Tiếp nối thành công đó, năm 2023, năm đầu tiên các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Với những kết quả đạt được và tiềm năng to lớn, Tây Nguyên đang ngày càng khẳng định vị thế là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước.
Phát biểu tham luận của đại biểu. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã được thông tin về lợi thế, tiềm năng và cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên; chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mối liên kết chặt chẽ và bền vững nhằm thúc đẩy nông nghiệp Tây Nguyên phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.
Bên cạnh đó, các DN cũng bày tỏ quan tâm đến sự đồng bộ về cơ chế, chính sách trong hệ thống phân cấp quản lý của địa phương; sự công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, sự công tâm của đội ngũ cán bộ; trình tự, thủ tục khi tham gia đầu tư; mức độ an toàn khi tham gia đầu tư tại địa phương…
Ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk điều hành phần thảo luận. |
Riêng đối với Đắk Lắk, là tỉnh có dư địa và nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển ngành nông lâm nghiệp, địa phương mong muốn được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu và đầu tư các dự án công nghiệp chế biến sâu nông, lâm, thủy sản; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất; các dự án trang trại, du lịch nông nghiệp và sinh thái; logistics... Đắk Lắk luôn xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN đến tìm hiểu, hợp tác đầu tư.
UBND tỉnh Gia Lai trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp. |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Tây Nguyên là khu vực rộng lớn, không gian giá trị của Tây Nguyên rất lớn, không chỉ gói gọn trong đất đỏ bazan, cây công nghiệp... Do đó, địa phương và DN cần tư duy lại để phát triển rộng lớn trên toàn vùng Tây Nguyên chứ không chỉ trong khuôn khổ của một địa phương; cần khai thác theo hướng đa giá trị, hệ sinh thái ngành nông nghiệp. Mặt khác, DN không chỉ là nhà đầu tư mà còn là nhà tư vấn cho địa phương để mở ra không gian giá trị mới nông nghiệp vùng Tây Nguyên, cùng địa phương giải quyết bài toán sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.
UBND tỉnh Đắk Lắk trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp |
Tuy nhiên, Tây Nguyên hiện còn những vướng mắc về đất đai, do đó các địa phương cần ngồi lại với nhà đầu tư để phân rõ trách nhiệm, cùng nhau giải quyết; vấn đề nào vượt quá tầm của địa phương thì trình các bộ, ngành để xem xét tháo gỡ…
UBND tỉnh Đắk Nông trao biên bản ghi nhớ hợp tác cho các doanh nghiệp và hợp tác xã |
Nhân dịp này, UBND các tỉnh đã trao 6 quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các DN; 2 biên bản thỏa thuận nghiên cứu khảo sát giữa các Sở NN-PTNT và DN và 2 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hợp tác xã và DN.
Nguồn: https://baodaklak.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0