Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn phục vụ phát triển đô thị thông minh
Cập nhật lúc: 04/08/2023 10:26 1101
Cập nhật lúc: 04/08/2023 10:26 1101
Để đáp ứng yêu cầu trong phát triển đô thị thông minh trong giai đoạn mới, tỉnh Đắk Lắk đang tập trung triển khai mở rộng dịch vụ giám sát, điều hành đô thị thông minh, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và đẩy mạnh chia sẻ, kết nối dữ liệu của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) phục vụ cho công tác điều hành của chính quyền, mang lại tiện ích cho người dân.
Cổng thông tin điện tử tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Hoài Anh- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về một số định hướng trong triển khai nhiệm vụ trong phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Đắk Lắk giai đoạn tiếp theo.
Ông Trương Hoài Anh- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại buổi làm việc với thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long
Biên tập viên: Xin ông đánh giá về quá trình triển khai phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Ông Trương Hoài Anh : Về quá trình triển khai phát triển đô thị thông minh thực hiện Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đối với các nhiệm vụ được giao cho ngành Thông tin và Truyền thông tại Quyết định số 950/QĐ-TTg, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh các nội dung về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) cho đô thị thông minh như:
Xây dựng Đề án “Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành tại Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 19/12/2020.
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk được thành lập theo Quyết định số 2344/QĐ-UBND ngày 30/9/2020 của UBND tỉnh
Để có những cơ sở, mô hình đối với việc ứng dụng ICT trong phát triển đô thị thông minh UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 303/QĐ-UBND ngày 03/02/2021 ban hành Kiến trúc ICT phát triển Đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk phiên bản 1.0.
Biên tập viên: Hiện nay lộ trình xây dựng và phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh đang gặp phải khó khăn nào, thưa ông?
Ông Trương Hoài Anh : Mặc dù có sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, tuy nhiên để xác định tầm nhìn, chiến lược, sự cần thiết, mục tiêu, yêu cầu, phương thức… trong tổ chức triển khai, thẩm định việc phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như : Các dịch vụ đã triển khai hiệu quả chưa như mong muốn do thiếu đồng bộ giữa hạ tầng đô thị thông minh, các ứng dụng thông minh với các ứng dụng của các ngành, các lĩnh vực như: giao thông, điện chiếu sáng, y tế, giáo dục; Chưa có sự vào cuộc của các Sở ngành, các cấp chính quyền.
Người dân mua sắm tại tuyến phố thanh toán không tiền mặt tại thành phố Buôn Ma Thuột
Theo lộ trình năm 2023 và các năm tiếp theo, để đảm bảo yêu cầu chuyển đổi số của địa phương cũng như Chính phủ đã đề ra, tập trung hoàn thiện dịch vụ Giám sát điều hành các lĩnh vực: Hiệu quả hoạt động chính quyền, Y tế, Giáo dục, Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, An ninh trật tự và điều hành giao thông qua hệ thống camera tầm cao bởi đây là việc ưu tiên hàng đầu, có ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề chăm sóc sức khoẻ và giáo dục, kết nối hệ thống giao thông vận tải có ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến đời sống người dân.
Toàn ngành tập trung đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được phân công tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 02/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 26/12/2022 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk năm 2023; đặc biệt lưu ý đối với 06 chỉ tiêu tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 02/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Trung tâm IOC sẽ xây dựng thí điểm hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn phục vụ phát triển đô thị thông minh
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk đang phối hợp Bộ TT&TT tiếp tục hoàn thiện cơ chế đầu tư hạ tầng số đồng bộ, xây dựng quy hoạch trung tâm tích hợp dữ liệu cấp vùng. Tập trung kết nối với các nền tảng dùng chung; khẩn trương xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và đẩy mạnh chia sẻ, kết nối dữ liệu với Trung tâm Giám sát điều hành, đô thị thông minh.
Biên tập viên: Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông tại các địa phương cần phải tập trung nhiệm vụ nào? Sở TT&TT tham mưu UBND tỉnh những giải pháp nào để phát huy hiệu quả dịch vụ đô thị thông minh phục vụ chính quyền và người dân?
Ông Trương Hoài Anh : Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng chính phủ, Quyết định Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030, có 7 nhóm nhiệm vụ ưu tiên để triển khai thực hiện. Theo đó trong giai đoạn tới tại các địa phương cần tập trung các nhiệm vụ sau đây: Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án đảm bảo an toàn thông tin cho đô thị thông minh; Xây dựng thí điểm hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông dân cư, đất đai, giao thông, quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng, ứng dụng công nghệ vệ tinh - rada 3D;
Trung tâm IOC đang mở rộng cung ứng dịch vụ giám sát điều hành đô thị thông minh
Xây dựng thí điểm hệ thống cơ sở dữ liệu không gian phục vụ phát triển đô thị thông minh; Duy trì, vận hành và ứng dụng cơ sở dữ liệu đô thị phục vụ công tác quản lý, phát triển đô thị tại các địa phương;
Định hướng, thu hút đầu tư cải tạo chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện hữu để ứng dụng công nghệ đô thị thông minh;
Định hướng, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh ưu tiên (chiếu sáng đô thị, giao thông, cấp nước, thoát nước, thu gom, xử lý chất thải rắn, lưới điện, cảnh báo);
Đầu tư xây dựng các trung tâm quản lý, điều hành, xử lý tập trung dữ liệu đô thị, đa nhiệm; Đầu tư nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông của các đô thị, nâng cao mức độ phổ cập sử dụng, kết nối các thiết bị đầu cuối thông minh;
Lập, thẩm định, phê duyệt Chương trình, dự án thí điểm phát triển đô thị thông minh bền vững;
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển các dịch vụ hành chính công;
Đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên về phát triển đô thị thông minh;
VNPT Đắk Lắk và Sở GD&ĐT ký kết hợp tác hướng đến hình thành Trung tâm điều hành giáo dục thông minh
Để phát huy hiệu quả dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh các giải pháp như: Ban hành Quy chế phối hợp quản lý, khai thác, vận hành và sử dụng các dịch vụ Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk; Quy trình phối hợp xử lý thông tin cụ thể từng dịch vụ.
Triển khai thí điểm Phản ánh hiện trường trước tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, huyện Ea Kar từ năm 2021, 2022; sau hơn 1 năm thí điểm tiến hành đánh giá hiệu quả để quyết định triển khai trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2023.
Triển khai tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị của người dân đến cơ quan chính quyền qua app Đắk Lắk trực tuyến, cổng thông tin tuongtaccongdan.daklak.gov.vn và tổng đài 1022; đồng thời chia sẽ, cập nhật các thông tin liên quan đến các dịch vụ đô thị thông minh đã triển khai tới người dân.
Xin cám ơn ông !
Nguồn: daklak.gov.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0