Hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII tại Cư M'gar và Krông Pak
Cập nhật lúc: 05/12/2013 08:56 2743
Cập nhật lúc: 05/12/2013 08:56 2743
Chiều ngày 3-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dak Lak đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Về phía địa phương có các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trần Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và hơn 100 cử tri trong xã về dự Hội nghị.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Phạm Minh Tấn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông báo đến cử tri những kết quả quan trọng của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra tại Hà Nội. Tại buổi tiếp xúc, cử tri xã Cư M’gar đã kiến nghị với đoàn đại biểu các vấn đề như: xây dựng công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho 25ha lúa trên địa bàn xã; mong muốn Chính phủ giải quyết vấn đề chống tham nhũng mạnh tay và kiên quyết hơn; tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát hiện , tham gia phòng chống tham nhũng; Quốc hội tạo điều kiện để bình ổn giá các mặt hàng, đặc biệt là điện, xăng dầu để giảm bớt khó khăn của người dân; về chế độ phụ cấp đối với cán bộ cơ sở quá thấp; sinh viên ra trường không có việc làm, nhất là sinh viên tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề, trong đó có Trường Cao đẳng nghề dân tộc thanh niên; cần xử lý nghiêm đối với các đối tượng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; việc kê khai vấn đề thu phí đường bộ đối với mô tô chưa trung thực; người dân trên địa bàn thiếu quỹ đất để mai táng người mất…
Về phía tỉnh, giải trình các ý kiến của cử tri, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu cho biết:: vấn đề chống tham nhũng là việc hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có bằng chứng, cơ sở, do đó tỉnh khuyến khích tất cả mọi người dân tham gia vào công tác này. Về vấn đề giá cả vật tư liên tục tăng cao trong khi đó giá các mặt hàng nông sản do người dân sản xuất ra lại quá thấp, tỉnh đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ vốn trực tiếp để người dân có vốn đầu tư cho vụ mùa tiếp theo mà không cần bán sản phẩm trong thời điểm rớt giá.
Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trong việc đưa các ý kiến của cử tri tỉnh nhà ở các kỳ họp của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Dak Lak là một trong những tỉnh miền núi, biên giới, nhưng kinh tế xã hội của địa phương đang từng bước phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được bảo đảm, công tác xóa đói giảm nghèo, công tác dân tộc, tôn giáo, chăm lo đời sống người dân được quan tâm, đặc biệt đối với đồng bào DTTS. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao các ý kiến đóng góp của cử tri xã Cư M’gar và mong muốn người dân xã nhà tăng cường hơn nữa việc giám sát thực hiện của Quốc hội đối với việc triển khai Hiến pháp mới. Đối với các kiến nghị của cử tri, Đoàn ghi nhận, tiếp thu và sẽ báo cáo lên HĐND tỉnh và Quốc hội; riêng vấn đề nghĩa trang cho các thôn trên địa bàn, đồng chí đề nghị huyện Cư M’gar phải nhanh chóng kiểm tra tình hình thực tế, phối hợp với địa phương bố trí quỹ đất để quy hoạch. Về công tác cán bộ, huyện cần bố trí kinh phí, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với cán bộ chuyện trách ở thôn, buôn nhằm phát huy vai trò của cán bộ chuyên trách ở cơ sở. Đối với giá cả xăng dầu, ga tăng liên tục hiện đang chờ ý kiến trả lời của Bộ Tài chính và sẽ có hồi đáp sau. Phó chủ tịch QH cũng đề nghị từng gia đình, khu dân cư tham gia vào công tác bảm đảm anh ninh trật tự xã hội, xây dựng đường giao thông nông thôn…, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Dak Lak tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đồng thời phát huy hơn nữa trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà điểm nhấn là các phong tục, lễ hội của người dân bản địa.
* Chiều cùng ngày, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đồng chí Y Khut Niê, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; Trần Đình Sơn, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIII tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pak.
Sau khi nghe đồng chí Y Khut Niê, Phó trưởng Đoàn Đại biểu biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo những kết quả nổi bật của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra tại Hà Nội, cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp và các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp lần này, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; qua đó,mong muốn trong thời gian tới, Đảng ta tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, đưa kinh tế - xã hội của đất nước có bước phát triển toàn diện trong những năm tiếp theo...
Cũng tại buổi tiếp xúc, các cử tri của xã Hòa Đông đã phán ánh với đồng chí Bộ trưởng cũng như với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về một số tình hình bức xúc tại địa phương liên quan đến các vấn đề: đất đai, xây dựng nông thôn mới, đường giao thông nông thôn, chính sách đối vớingười có công… Trong đó các ý kiến tập trung ở lĩnh vực đất đai, chủ yếu xoay quanh vấn đề liên kết, giao khoán giữa các công ty cà phê đứng chân trên địa bàn với người nhận khoán còn nhiều bất hợp lý. Qua đó, các ý kiến của cử tri đã đề nghị chính quyền các cấp quan tâm, xem xét, giải quyết bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho người dân.
Về phía tỉnh Dak Lak, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Khiết giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Krông Pak rà soát lại diện tích đất liên kết cũng như cơ chế giao khoán của các công ty cà phê với người dân, báo cáo với UBND tỉnh trong quý I năm 2014 để có phương hướng xử lý, giải quyết phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người dân.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Cao Đức Phát tiếp thu những ý kiến, nguyện vọng của cử tri. Đối với những bức xúc tại đại phương, đồng chí cũng chia sẻ: đây là những vấn đề liên quan đến việc sắp xếp đổi mới các nông lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành tổng kết sau 10 năm triển khai thực hiện, báo cáo Bộ Chính trị để đề xuất những hướng sắp xếp đổi mới lại. Theo đó, đối với nông, lâm trường làm ăn kém hiệu quả, đề nghị Bộ Chính trị cho chủ trương chỉ đạo để các UBND tỉnh rà soát lại, tiến hành giải thể, giao đất về chính quyền địa phương quản lý và giao lại cho người dân. Đối với đất liên kết, cho rà soát, quy hoạch lại, chỉ cho phép các nông lâm trường giữ lại diện tích cần thiết để các đơn vị này làm trụ cột, hỗ trợ người dân trong chuyển giao kỹ thuật, chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch… Còn diện tích đất liên kết người dân làm ăn có hiệu quả đã lâu năm, có thể xem xét, tùy vào tình hình cụ thể để giao cho người dân canh tác. Đối với các nông lâm trường có chức năng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh là chính thì chuyển hẳn sang hoạt động sản xuất kinh doanh và hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường, cổ phần hóa… nhưng phải đảm bảo các lợi ích của người lao động. Đối với đất giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số, cần tiếp tục tiến hành rà soát thu hồi đất ở các nông lâm trường để ưu tiên giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất. Đặc biệt, địa phương cần chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nghề, nhất là đối với con em người đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0