Xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW
Cập nhật lúc: 08/10/2019 14:47 423
Cập nhật lúc: 08/10/2019 14:47 423
Tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13/9/2019, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Nghị quyết và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến các tổ chức, cá nhân.
Theo Dự thảo, nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 50-NQ/TW khóa XII đề ra, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động về đầu tư nước ngoài. Theo đó, phải tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết số 50-NQ/TW đến các bộ, ngành, địa phương, tổ chức Đảng các cấp, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế.
Phát huy thế mạnh của hoạt động đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập quốc tế phải đi đôi với việc theo dõi, kiểm tra, thanh tra và kiểm soát; thực hiện công khai, minh bạch và ngăn ngừa, khắc phục có hiệu quả những hạn chế của hoạt động đầu tư nước ngoài ở tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương. Từng bước bỏ tư duy thu hút đầu tư nhằm cải thiện ngân sách và thu hút dự án có quy mô vốn đầu tư rất lớn nhưng thiếu thực chất để nâng vị trí xếp hạng địa phương về thu hút đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, tăng cường ổn định chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung giữ vững ổn định xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Dự thảo quy định nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư và thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư. Đồng thời, quy định các bộ, ngành và địa phương về việc hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư. Theo đó, phải nâng cao năng lực phân tích, dự báo của các cơ quan xây dựng, ban hành thể chế chính sách. Kịp thời trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định điều chỉnh các quan hệ kinh tế mới, các mô hình, phương thức kinh doanh mới... tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư và hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước. Cùng với đó là đẩy mạnh phân công, phân cấp, ủy quyền và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước; áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, Dự thảo quy định các bộ, ngành và địa phương tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa Trung ương với địa phương, giữa các vùng, giữa cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội nghề nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư. Chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với các tiêu chí hợp tác đầu tư mới; tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường, đối tác mới. Đa dạng hoá các hoạt động và phương thức xúc tiến đầu tư; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ với những dự án hợp tác thành công cụ thể. Đồng thời, đầu tư thỏa đáng cho hoạt động xúc tiến. Ưu tiên thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư quốc gia, vùng, liên ngành. Công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, thị trường,... Tăng cường cơ chế đối thoại, đổi mới, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành rà soát, cơ cấu lại hệ thống các cơ quan xúc tiến đầu tư hiện có (không thành lập mới) theo hướng chuyên nghiệp, độc lập, không chồng chéo, không trùng lặp với các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài; xem xét khả năng gắn kết với xúc tiến thương mại và du lịch một cách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu và đặc thù của từng địa phương.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, theo Dự thảo, các bộ, ngành và địa phương phải thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, không để phát sinh khiếu kiện, tranh chấp quốc tế xảy ra. Đồng thời, xử lý nghiêm tình trạng thực hiện thể chế, chính sách thiếu thống nhất giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương. Nghiêm cấm việc cấp, điều chỉnh, quản lý, đàm phán dự án đầu tư nước ngoài, ban hành quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư... trái thẩm quyền, trái quy định pháp luật.
Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đúng quy định pháp luật về việc đàm phán, thỏa thuận các cam kết bảo lãnh chính phủ (GGU), ký hợp đồng BOT, bao tiêu sản phẩm... Đồng thời, chấn chỉnh công tác quản lý, triển khai dự án đầu tư; phải bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường, phù hợp quy hoạch, theo đúng các tiêu chí lựa chọn, sàng lọc dự án... Bảo đảm chặt chẽ về quy trình, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nước ngoài theo đúng quy định pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan tới đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, phải xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết. Phòng ngừa, giải quyết sớm, có hiệu quả các tranh chấp liên quan đến đầu tư nước ngoài. Chú trọng nâng cao năng lực và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài ở các bộ, ngành và địa phương phù hợp với những yêu cầu, nhiệm vụ mới về quản lý đầu tư nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình cấp có thẩm quyền kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và thống nhất một đầu mối tại các bộ, ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng tại địa phương và trong phạm vi cả nước. Đẩy mạnh phân công, phân cấp, phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư đồng bộ, liên thông với các lĩnh vực lao động, đất đai, thuế, hải quan, tín dụng, ngoại hối... Nâng cao chất lượng công tác thống kê, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình chọn, vinh danh các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; định kỳ bình chọn, vinh danh các nhà đầu tư nước ngoài tiêu biểu./.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0