Hội LHPN thị xã Buôn Hồ: Giúp hội viên quản lý, sử dụng vốn vay hiệu quả
Cập nhật lúc: 21/01/2013 14:15 1792
Cập nhật lúc: 21/01/2013 14:15 1792
Không chỉ tín chấp vay vốn, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, vận động chị em giúp nhau, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ còn chú trọng, linh hoạt hướng dẫn hội viên quản lý, sử dụng vốn vay hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều hội viên đã xóa được đói nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống và có điều kiện xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Gia đình chị Nguyễn Thị Đức ở tổ dân phố Tân Hà 4 (phường Thống Nhất) có hơn 1 ha cà phê nhưng vì không có vốn đầu tư nên năng suất thấp, mọi chi tiêu, sinh hoạt, học hành của các con đều trông chờ vào việc làm thuê của 2 vợ chồng, cuộc sống luôn bấp bênh, thiếu thốn. Đầu năm 2009, gia đình chị được Hội Phụ nữ phường tín chấp vay 10 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò. Chăm chỉ, biết chi tiêu tiết kiệm, lấy công làm lãi, đến nay, vợ chồng chị đã phát triển đàn bò lên 4 con. Khi có nguồn lợi từ chăn nuôi, chị sử dụng vào chăm sóc cà phê, tận dụng phế phẩm chăn nuôi ủ phân vi sinh bón cho cây trồng nhằm giảm chi phí đầu tư. Chị Đức cho biết, khi được vay vốn phải biết tính toán hợp lý và dùng số tiền vay đúng mục đích đã dự tính, nếu không sẽ tiêu vào việc này, việc kia hết cả vốn mà lại ôm một khoản nợ. Tương tự, từ nguồn vốn vay tổng cộng 19 triệu đồng do Hội tín chấp, gia đình chị Trần Thị Yên ở tổ dân phố Hợp Thành 2 (phường Thống Nhất) cũng đầu tư nuôi bò thịt, trồng 1,5 sào lúa vừa “lấy ngắn nuôi dài” vừa dồn lực chăm sóc 7 sào cà phê. Trung bình mỗi năm gia đình chị xuất bán 2 con bò để phục vụ sản xuất và nuôi con ăn học. Nhờ vậy, sau 3 năm gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của phường. 6 năm trước, gia đình chị Đoàn Thị Kim Sơn luôn có tên trong danh sách hộ nghèo của tổ dân phố 7 (phường Bình Tân). Được tín chấp vay tổng cộng 13 triệu đồng, anh chị trồng 250 trụ tiêu Vĩnh Linh. Không chỉ tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi làm thuê kiếm thêm thu nhập, vợ chồng chị còn tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng và mạnh dạn ứng dụng thực tế nên vườn tiêu phát triển tốt. “Thông qua các lớp tập huấn, gia đình tôi đã chú trọng sử dụng phân vi sinh bón cho cây trồng nên hiệu quả tăng cao, tiết giảm chi phí đầu tư. Sự giúp đỡ của Hội đã tiếp sức cho gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, con cái được học hành đến nơi đến chốn”, chị Sơn chia vui.
Cán bộ Hội Phụ nữ kiểm tra việc sử dụng vốn vay của gia đình chị Đoàn Thị Kim Sơn (bên trái). |
Để đồng vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng, hằng năm các cấp hội đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tiến hành rà soát đối tượng hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn để bình xét hộ vay vốn, xây dựng kế hoạch và biện pháp hỗ trợ. Trên cơ sở đó, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai thực hiện tốt việc giải ngân cho đối tượng, thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra quản lý, sử dụng vốn vay ở các tổ vay vốn. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn và giới thiệu những điển hình làm kinh tế giỏi để hội viên học tập, áp dụng. Nhờ sự quan tâm, kiểm tra sát sao nên hầu hết các hộ đều có sự tính toán rất kỹ càng, thận trọng khi lựa chọn mô hình đầu tư. Theo đánh giá của Hội LHPN thị xã, nhìn chung nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, không còn tình trạng hao hụt vốn, không có trường hợp vay ké, vay hộ, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,4%. Nhờ đó, nhiều gia đình hội viên đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng. Từ năm 2009 đến nay, Hội LHPN thị xã đã ký ủy thác với NHCSXH trên 60 tỷ đồng giúp cho 3.718 lượt hội viên nghèo vay phát triển sản xuất, chăn nuôi; thành lập 153 nhóm tín dụng tiết kiệm với tổng số vốn trên 2,1 tỷ đồng; xây dựng các mô hình đoàn kết tương trợ và 646 heo đất tiết kiệm để giúp nhau phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các cấp hội tổ chức cho chị em tham quan mô hình cải tạo vườn cà phê già cỗi, nuôi bò vỗ béo, trồng nấm, nuôi tằm…; phối hợp tổ chức 4 lớp dạy nghề cắt may, chăn nuôi thú y cho 150 cán bộ, hội viên; chủ động gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tạo việc làm cho lao động nữ.
Bà Trương Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã cho biết, các nguồn vốn được vay tuy không nhiều nhưng đó là tiền đề, là cơ sở ban đầu giúp chị em đầu tư phát triển sản xuất. Việc cho vay và thu hồi nợ vay cơ bản bảo đảm đúng đối tượng, thời gian theo quy định của Nhà nước. Từ nguồn vốn được vay và sự hỗ trợ của các cấp hội, 4 năm qua đã có 443 hộ hội viên được giúp thoát nghèo. Thời gian tới, Hội sẽ chú trọng thực hiện tốt hơn công tác bình xét cho vay, tăng cường hỗ trợ kiến thức, tập trung xây dựng và giới thiệu thêm những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để hội viên học tập…
Theo Daklak.gov.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0