Tỉnh Đắk Lắk nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, gia nhập thị trường.
Cập nhật lúc: 06/01/2020 14:44
1856
Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2019 (Báo cáo số 354/BC-UBND ngày 27/12/2019) gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 11195/KH-UBND ngày 20/12/2018 chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa những nội dung tại Nghị quyết này; đồng thời, đề ra nhiệm vụ, giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, gia nhập thị trường.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần cắt giảm chi phí gia nhập cho doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh tiếp tục gia tăng. Ước đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 1.050 doanh nghiệp đăng ký mới (tăng 4,6% so với năm 2018) với tổng vốn điều lệ đăng ký ước 13.650 tỷ đồng (bình quân 13 tỷ đồng/doanh nghiệp); đăng ký hoạt động thêm 95 chi nhánh (trong đó có 27 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh). Lũy kế đến ngày 31/12/2019, trên địa bàn tỉnh ước có 8.915 doanh nghiệp và chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh hoạt động (gồm 8.135 doanh nghiệp và 780 chi nhánh), tăng 7,9% so với năm 2018.
Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp tại Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 11195/KH-UBND của UBND tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, thể hiện ở kết quả PCI 2018 ghi nhận cải thiện đáng kể của tỉnh trong việc cắt giảm chi phí không chính thức của doanh nghiệp, hầu hết các chỉ tiêu đo lường đều được cải thiện so với năm trước (tăng 1,46 điểm và lên 23 bậc so với năm 2017), góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí kinh doanh nói chung và chi phí tuân thủ pháp luật nói riêng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy vẫn còn những hạn chế, bất cập và cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Theo kết quả PCI năm 2018 của tỉnh cho thấy, các TTHC, đặc biệt là thủ tục hậu đăng ký kinh doanh tại tỉnh được doanh nghiệp đánh giá còn rườm rà, làm gia tăng chi phí thời gian và chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp; tình hình tiếp cận đất đai của tỉnh được đánh giá không ổn định cũng là một rào cản trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Do đó, để thúc đẩy việc cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm tối đa các chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối điện tử trong giải quyết các thủ tục hành chính từ Trung ương đến địa phương; đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước, xử lý và giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV và chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm xem xét, bố trí ngân sách Trung ương để tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định./.
Thoa Nguyễn (Phòng DN, KTTT và TN)