Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi)
Cập nhật lúc: 25/03/2020 07:34 453
Cập nhật lúc: 25/03/2020 07:34 453
Ngày 23/3/2020, tại phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình một số nội dung chính của dự án Luật. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ngày 05/3/2020, Chính phủ đã có Báo cáo số 73/BC-CP về việc tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn của dự thảo Luật. Về con dấu của doanh nghiệp (Điều 44 của dự thảo Luật), Luật doanh nghiệp năm 2014 đã trao quyền cho doanh nghiệp tự làm con dấu và chuyển từ cơ chế cơ quan quản lý nhà nước cấp con dấu cho doanh nghiệp sang cơ chế doanh nghiệp tự làm con dấu, tự quyết định hình thức mẫu dấu, số lượng con dấu (không hạn chế số lượng) và tự quản lý việc sử dụng con dấu; việc có hoặc không sử dụng con dấu trong giao dịch dân sự.
Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) tiếp tục khẳng định rõ hơn việc trao quyền cho doanh nghiệp trong việc quyết định có hoặc không có con dấu, đồng thời bỏ quy định doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nhằm giảm bớt thủ tục hành chính.
Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh trong Luật doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa của dự thảo Luật), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, vấn đề này có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất là nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật doanh nghiệp như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời, đề nghị bổ sung các nội dung trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp để có một chương quy định đầy đủ về hộ kinh doanh như bổ sung một số quy định làm rõ cơ chế, chính sách đối với hộ kinh doanh để tạo sự công bằng giữa các loại hình.
Chính phủ cho rằng, nội dung về hộ kinh doanh trong dự thảo luật không phải là nội dung mới. Ngay từ Luật doanh nghiệp năm 1999, 2005 và năm 2014 đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, xét về bản chất thì việc quy định một Chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật lần này chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh. Việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật cũng sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.
Loại ý kiến thứ 2 đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh vì hộ kinh doanh không phải doanh nghiệp và chưa thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.
Về doanh nghiệp nhà nước (Điều 87a của dự thảo Luật), nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải bám sát với quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương (Nghị quyết số 12); một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu thận trọng, có quy định phù hợp để tránh ảnh hưởng xấu đến quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời xác định tiêu chí phân loại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước để làm cơ sở phân loại, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc quy định DNNN gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12. Việc quy định tỷ lệ như dự thảo Luật quay trở lại quy định trước đây của Luật doanh nghiệp năm 2005. Tại Báo cáo số 73/BC-CP về việc tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật, Chính phủ đề nghị tiếp tục bảo lưu nội dung đã trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất là nhất trí với đề nghị của Chính phủ trong dự thảo Luật kèm theo Báo cáo số 73/BC-CP của Chính phủ, theo đó Điều 127 quy định về việc chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm giúp các doanh nghiệp này nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng trên thị trường, phù hợp với chủ trương về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đối tượng chào bán trái phiếu riêng lẻ chỉ là các nhà đầu tư chuyên nghiệp; do đó, về cơ bản sẽ không gây ra rủi ro cho người mua vì nhà đầu tư chuyên nghiệp là người có chuyên môn, năng lực phân tích trong việc mua trái phiếu. Việc thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo sẽ thực hiện theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Loại ý kiến thứ 2 là đề nghị không quy định nội dung chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào dự thảo Luật này. Quy định này có thể góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thêm kênh huy động vốn trên thị trường; tuy nhiên, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với mức vốn thấp, rủi ro cao; việc cho phép chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp này trong khi điều kiện chào bán chưa chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của thị trường tài chính, tạo kẽ hở cho việc huy động vốn thông qua việc hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Mặt khác, hiện nay, Luật doanh nghiệp đã có quy định cụ thể đối với chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty không phải là công ty đại chúng. Đồng thời, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và văn bản hướng dẫn đã quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong đó đã có những cơ chế hỗ trợ vốn và đầu tư cho các doanh nghiệp này. Vì vậy, các chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã được cụ thể hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này huy động vốn, do đó không quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại dự thảo Luật này.
Khơi thông nguồn lực để đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với việc cần thiết phải luật hóa các quy định hộ kinh doanh, còn ý kiến khác nhau chỉ ở việc nên để các quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp hay xây dựng một Luật riêng về hộ kinh doanh. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị giữ phương án quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp do phương án này có lợi cho nền kinh tế, khơi thông nguồn lực để đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và không chồng chéo với các luật khác. Nếu xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh thì kéo dài thêm mấy năm nữa, trong khi luật hóa ngay thì có lợi cho nền kinh tế... Trường hợp còn ý kiến khác nhau về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội để tiếp tục thảo luận và biểu quyết riêng về nội dung này, trước khi biểu quyết thông qua Luật.
Liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước, trong quá trình soạn thảo Luật, Ban soạn thảo phân tích, đánh giá tác động, so sánh và tham vấn và có phân tích 3 phương án là: 50%, 65% và 100%.
Theo quy định tại Luật doanh nghiệp đối với công ty cổ phần, thì cổ đông sở hữu trên 50% tổng cổ phần có quyền biểu quyết là đủ để thông qua được các quyết định thông thường của doanh nghiệp. Đối với quyết định quan trọng khác yêu cầu thông qua với tỷ lệ biểu quyết trên 65% tổng số phiếu biểu quyết vẫn cần phải có sự đồng ý của cổ đông sở hữu trên 50% tổng số quyền biểu quyết thì mới thông qua được quyết định đó. Như vậy, cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết đã có thể chi phối toàn bộ các quyết định của các công ty cổ phần. Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa đều tổ chức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.
Ngoài ra, phương án như Cơ quan soạn thảo đã trình có một điểm tích cực hơn hẳn so với các phương án khác là tính tương thích với hệ thống quy định pháp luật hiện hành, bởi vì các quy định về giám sát, quản lý doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước đã và đang phân loại, tiếp cận đối với doanh nghiệp có phần vốn nhà nước theo tiêu chí tương tự: dưới 50%, trên 50% và 100%. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn điều lệ là phù hợp với các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết với quốc tế phù hợp với Nghị quyết 12, vừa tương thích với hệ thống pháp luật và có thể thực hiện được ngay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Việc sửa đổi Luật doanh nghiệp nhằm mục tiêu tổng quát là hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt, phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.
Qua đó nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới). Đồng thời, nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt, phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới).
Cùng với đó là nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế. Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Luật được xây dựng theo quan điểm tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật doanh nghiệp 2000, 2005 và 2014, hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Bảo đảm thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước; thực hiện đầy đủ các Nghị quyết số 02/NQ-CP và 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bảo đảm thống nhất, phù hợp với sự thay đổi của pháp luật có liên quan, thay đổi kinh tế - xã hội trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh./.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0