Tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan đến quản lý, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh
Cập nhật lúc: 09/03/2020 07:44 345
Cập nhật lúc: 09/03/2020 07:44 345
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 02/2020 diễn ra ngày 03/3/2020. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại họp báo. Ảnh: MPI |
Tại họp báo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã làm rõ vấn đề được nhà báo quan tâm liên quan đến việc Công ty USC Interco đăng ký kinh doanh với số vốn 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD) vừa được thành lập ở Hà Nội cũng như việc sửa đổi quy định về hoạt động đăng ký kinh doanh.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, quy định pháp lý về đăng ký kinh doanh, đây là thành quả của 20 năm đổi mới với rất nhiều nỗ lực, cố gắng để chuyển từ cơ chế xin - cho trước đây sang cơ chế tự chịu trách nhiệm, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm. Điều này cũng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển nền kinh tế để đảm bảo quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm.
Về việc doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cán bộ đăng ký kinh doanh thành phố Hà Nội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật là hoàn toàn đúng, trên cơ sở xét duyệt hồ sơ thì không có lý do gì để không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho họ.
Các cán bộ cũng rất trách nhiệm khi thấy rằng số vốn có quy mô bất thường. Tôn trọng quyền đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, đơn vị đăng ký kinh doanh đã ghi nhận và thông báo phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục các thủ tục sau này, đặc biệt là việc thông báo tới người đăng ký kinh doanh là trong 90 ngày phải nộp đủ số tiền cam kết.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi cho đến khi nhận được thông tin về việc người đăng ký doanh nghiệp sửa đổi hồ sơ hay xin đăng ký lại thì sẽ tiếp nhận theo đúng quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, nền kinh tế đang được cơ cấu lại với tầm nhìn phát triển mạnh mẽ và rất cần các doanh nghiệp lớn. Do vậy, các cơ quan đăng ký kinh doanh của các địa phương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải quen dần với những doanh nghiệp đăng ký số vốn lớn. Tuy nhiên, với cơ chế hậu kiểm chắc chắn Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải thực hiện kiểm tra chặt chẽ hơn nữa quy định của pháp luật, tránh trường hợp các doanh nghiệp đăng ký có thể do vô tình hoặc cố ý đăng ký chưa đúng quy định, làm ảnh hưởng đến việc theo dõi đăng ký kinh doanh.
Thứ trưởng cho rằng, đây là bài học cho việc quản lý đăng ký kinh doanh theo hướng hậu kiểm và điều quan trọng là cần phải tăng cường công tác giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh. Đồng thời, phải tăng cường công tác hướng dẫn của các đơn vị đăng ký kinh doanh, đặc biệt, liên quan đến phần đơn vị tiền tệ trong hồ sơ, khi chúng ta dùng các khái niệm khác nhau (đồng, nghìn đồng, triệu đồng, tỷ đồng), phải được thống nhất lại để chuẩn hóa trong quá trình đăng ký kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với phần mềm đăng ký kinh doanh và dễ quy đổi đơn vị tiền tệ khi đăng ký số vốn của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương hy vọng với những nỗ lực nêu trên sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn những quy định liên quan đến quản lý doanh nghiệp và thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh.
Tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19
Tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2020 diễn ra cùng ngày.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo. Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo đó, về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2020, Chính phủ đánh giá, thời gian qua, công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần "chống dịch như chống giặc" của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân với hệ thống các giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Qua đó, đã đạt được kết quả thành công bước đầu quan trọng trong phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế và Nhân dân đánh giá cao.
Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, gây thiếu hụt lao động tức thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hoạt động lưu chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách, dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, ăn uống, lưu trú…bị ảnh hưởng nặng nề (lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm 2 con số, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD). Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 kết hợp với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cúm gia cầm H5N1, H5N6… trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do tác động của dịch, một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa đạt kết quả như dự kiến, nhưng tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều điểm sáng.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định và trước khó khăn, thiệt hại nặng nề của các cá nhân, doanh nghiệp bởi dịch COVID-19, 23 tổ chức tín dụng thông báo đã miễn, giảm lãi suất, khoanh, giãn nợ... cho 44.000 khách hàng với dư nợ tín dụng lên tới 222.000 tỉ đồng.
Kinh tế vĩ mô cơ bản tích cực; CPI tháng 02/2020 giảm 0,17% so với tháng 01/2020 và CPI bình quân 02 tháng đầu năm 2020 tăng 5,91%, tuy thấp hơn so với tháng trước (6,43%) nhưng vẫn còn ở mức cao.
Xuất khẩu vẫn tăng trưởng; nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nhập siêu khoảng 176 triệu USD.
Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; dịch bệnh dần được kiểm soát. Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 nhưng các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá; IIP tháng 02/2020 ước tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2019; IIP 2 tháng 2020 ước tăng 6,2%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%...
Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng cả về số lượng và vốn; số doanh nghiệp giải thể giảm sau nhiều năm. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ với trên 17.400 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 364 nghìn tỷ đồng (tăng 9,1% về số doanh nghiệp và tăng 47,1% về số vốn đăng ký). Có gần 12 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 17,1%). Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện (số lượt hộ thiếu đói, giảm 85,8%, số nhân khẩu thiếu đói, giảm 86,4%; hỗ trợ các hộ thiếu đói trên 205 tấn gạo); đặc biệt đã chi 517 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cho chống dịch COVID-19…
Bên cạnh những kết quả đạt được nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và những yếu kém nội tại của nền kinh tế cũng như các tác động tiêu cực khác từ bên ngoài. Trong tháng 02 và hai tháng đầu năm 2020, hầu hết các chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trở thành mối quan tâm lo ngại đối với cả Việt Nam và cộng đồng thế giới. Chính phủ và các Bộ, ngành đã có chỉ đạo quyết liệt phòng, chống dịch, ưu tiên đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân và cộng đồng, đạt được kết quả tích cực bước đầu, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 02 tháng đầu năm 2020 và diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, các cấp, các ngành, các địa phương không được phép chủ quan, cần tiếp tục thận trọng, bình tĩnh, nghiêm túc và chủ động triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, bảo đảm các biện pháp hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và các đối tượng sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, góp phần duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, kiên trì, kiên định các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra tại các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Chuẩn bị một số giải pháp hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp vượt qua khó khăn; sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, bù đắp lại các thiệt hại do dịch bệnh gây ra ngay khi bối cảnh tình hình trở lại bình thường.
Về trung và dài hạn, cần coi đây là dịp để đánh giá lại những hạn chế, bất cập của nền kinh tế để sắp xếp, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, phát triển bền vững hơn, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với các biến động của bối cảnh quốc tế, nhất là các nguy cơ phi truyền thống.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, các chuyên gia, tư vấn trong nước, quốc tế xây dựng và hoàn chỉnh dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19 với các nhóm giải pháp về vốn, tài chính và thúc đẩy thanh toán điện tử; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu; tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển ngành du lịch; thúc đẩy đầu tư và giải ngân; rà soát, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19…/.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0