Thực hiện nhiệm vụ năm 2025: Tăng tốc trong năm then chốt của nhiệm kỳ
Cập nhật lúc: 04/12/2024 09:39 227
Cập nhật lúc: 04/12/2024 09:39 227
Làm rõ nguyên nhân những chỉ tiêu chưa đạt
Trong số 16 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết nhiệm vụ năm 2024, tỉnh Đắk Lắk có 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Cụ thể: giá trị tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 63.249 tỷ đồng (bằng 98,15% kế hoạch). Huy động vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh ước đạt 36.990 tỷ đồng (bằng 95,83% kế hoạch). Trong năm toàn tỉnh ước có 1.430 doanh nghiệp đăng ký mới (bằng 77,3% kế hoạch). Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh mới chỉ có 81/149 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong khi kế hoạch đề ra là 85/151 xã.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ lớn trong năm 2025 tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 27 (mở rộng). |
Bên cạnh đó, còn có một số chỉ tiêu thành phần chưa đạt kế hoạch như: giá trị tổng sản phẩm công nghiệp chỉ đạt 97,4% kế hoạch; độ che phủ rừng mới chỉ đạt 38,1%; thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh đạt thấp, chỉ thực hiện được 360 tỷ đồng (bằng 26% kế hoạch).
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 27 (mở rộng) vừa được tổ chức, các đại biểu đã phân tích, làm rõ nguyên nhân các chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan do tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục biến động phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, các đại biểu cũng thống nhất nhận định do tác động kéo dài của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp và việc phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 27 (mở rộng). |
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Võ Ngọc Tuyên phân tích, theo quy định mới, các dự án phải phù hợp với các loại quy hoạch thì mới có thể triển khai thực hiện được. Trong khi đó, công tác triển khai nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu TP. Buôn Ma Thuột còn chậm hoặc kéo dài đã ảnh hưởng đến công tác đầu tư và thực hiện các dự án, chủ trương lớn của tỉnh.
Một số dự án công nghiệp đang đầu tư dở dang và một số hoàn thành nhưng chưa đưa vào hoạt động đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành. Hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ, tiềm lực hạn chế nên việc phục hồi, phát triển sau tác động của dịch bệnh còn nhiều khó khăn. Một số dự án lớn có thu tiền sử dụng đất thực hiện các thủ tục đấu giá, đầu thầu cần rất nhiều thời gian.
Thêm vào đó, sau khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, một số văn bản hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật của bộ, ngành chậm ban hành đã gây lúng túng, khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện và giải quyết thủ tục đầu tư.
Đối với chỉ tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương giải trình, nguyên nhân chính là do Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tăng 8 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016 - 2020; có nhiều chỉ tiêu mới, một số tiêu chí tăng cả về chất và lượng, chưa phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh như: giao thông, thu nhập, giảm nghèo đa chiều…
Trong khi các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới đều là những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, cần nguồn vốn đầu tư lớn. Công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn của một số đơn vị cấp huyện, xã còn chậm, chồng chéo.
Các đại biểu nêu ý kiến thảo luận tại Tổ thảo luận số 3. |
Chia sẻ thêm về nguyên nhân các chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh trong năm 2024 chưa thực hiện đạt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phân tích, thời điểm trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh rất khả quan, tươi sáng với nhiều kỳ vọng khi các ngành kinh tế của tỉnh đang trên đà phát triển, thị trường khả quan nên việc xây dựng chỉ tiêu của nhiệm kỳ khá cao, kéo theo chỉ tiêu của từng năm cũng cao hơn so với khả năng, tiềm lực của tỉnh.
Sau khi chịu tác động kéo dài của dịch bệnh, thiên tai, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng… đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh và sự phát triển của các ngành.
4 nhiệm vụ lớn, 7 giải pháp căn cơ
Với quyết tâm cao nhất trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết nhiệm vụ năm 2025 với nhiều chỉ tiêu cao hơn so với năm 2024.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà lý giải nguyên nhân một số khu công nghiệp chậm đi vào hoạt động. |
"Cùng thể chế, cơ chế, chính sách nhưng các chỉ tiêu, nhiệm vụ của tỉnh thực hiện chưa đạt thì cần xem lại vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cần phát huy hơn nữa tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý nhằm đưa ra những quyết sách đúng, phù hợp với ngành, địa phương”. Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy. |
Cụ thể, so với ước thực hiện năm 2024, GRDP của tỉnh theo giá so sánh năm 2010 phấn đấu đạt 67.675 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt 7%; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 42.300 tỷ đồng (tăng 14,36%); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD (tăng 3%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 110.000 tỷ đồng (tăng 4,76%); thu ngân sách nhà nước đạt 9.000 tỷ đồng (tăng 5,88%), trong đó thu tiền đất khoảng 2.740 tỷ đồng (cấp tỉnh thực hiện 1.140 tỷ đồng, còn lại là cấp huyện); phát triển 3.188 doanh nghiệp (tăng 123%); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên, riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4%; lũy kế có 97/149 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương ứng tỷ lệ 65,1%, tăng 16 xã so với năm 2024); tỷ lệ che phủ rừng (tính cả cây cao su) đạt 40%...
Trước các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết nhiệm vụ năm 2025 cao hơn so với ước thực hiện năm 2024, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Còn 20% thời gian của nhiệm kỳ, phải đặt quyết tâm cao nhất, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ để bảo đảm phải thực hiện đạt chỉ tiêu đã đề ra. Trong năm 2025, bên cạnh 3 nhiệm vụ lớn, cấp bách theo chỉ đạo của Trung ương gồm: đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; tăng tốc phát triển kinh tế; tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, các cấp, ngành của tỉnh cần tập trung giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài. Đây là tiền đề bảo đảm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Nhiệm vụ của tỉnh đặt ra khá nặng nề. Chính vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất cao các giải pháp căn cơ đối với từng ngành, lĩnh vực.
Trong đó, tập trung triển khai Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; khẩn trương ban hành các văn bản triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; triển khai hiệu quả “Chương trình đánh giá độ che phủ của cây rừng và các hệ sinh thái cảnh quan nông lâm nghiệp” để nâng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Tập trung xây dựng, phát triển thành phố Buôn Ma Thuột theo Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: Nguyễn Gia. |
Bên cạnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, cần nâng cao tỷ lệ lấp đầy tại các khu, cụm công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ một số dự án công nghiệp đang tiển khai và đưa vào hoạt động trong năm 2025; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; khai thác tốt các nguồn thu và triển khai hiệu quả các biện pháp chống thất thu thuế…
Nguồn: baodaklak.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0