Tập trung xây dựng đô thị văn minh
Cập nhật lúc: 04/08/2020 14:27 871
Cập nhật lúc: 04/08/2020 14:27 871
Trong những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, việc xây dựng đô thị văn minh được các cấp ủy đảng, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể từ thị xã đến cơ sở ở thị xã Buôn Hồ quan tâm, bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ngày 13-11-2018, Thị ủy Buôn Hồ đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng đô thị văn minh của thị xã Buôn Hồ giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025 (Nghị quyết số 05) với quan điểm: phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến về trách nhiệm, đổi mới và hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tạo sự đồng thuận của nhân dân; chủ động, mạnh dạn và sáng tạo trong việc huy động hiệu quả các nguồn lực tại chỗ, tranh thủ sự quan tâm, nguồn đầu tư của Trung ương và tỉnh để cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị.
Theo đó, nhiều giải pháp đã được UBND thị xã cụ thể hóa bằng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 05. Đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Tùy vào từng mục tiêu cụ thể, mỗi phòng, ban, đoàn thể và địa phương sẽ đảm nhận nhiệm vụ riêng trên tinh thần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Quá trình triển khai xây dựng đô thị văn minh, đặc biệt là sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 05, một số mục tiêu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, ước tính đến cuối năm nay có 90% gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa; 10/12 đơn vị xã, phường đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 6 thôn, buôn, tổ dân phố đã rà soát, sửa đổi bổ sung hương ước, quy ước; 7 phường đăng ký thực hiện 14 tuyến phố văn minh…
Song song với thực hiện các mục tiêu văn hóa, mục tiêu về hạ tầng đô thị đặc biệt được thị xã chú trọng. Theo đó, thị xã phối hợp với các ngành của tỉnh tích hợp quy hoạch của địa phương vào quy hoạch tỉnh và rà soát điều chỉnh kịp thời những quy hoạch trên địa bàn thị xã để phù hợp với quy hoạch tỉnh.
Hạ tầng Khu đô thị Đông Nam đang dần được hoàn thiện. |
Nhiệm vụ chủ yếu là tập trung xây dựng quy hoạch sử dụng đất của thị xã Buôn Hồ giai đoạn 2020 - 2030; tiếp tục triển khai lập mới, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng chỉnh trang các khu dân cư phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Buôn Hồ đến năm 2035 được phê duyệt, bảo đảm chất lượng, đồng bộ, liên tục trong quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn của thị xã Buôn Hồ đã từng bước được đầu tư.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã triển khai xây dựng 305 công trình, hạng mục công trình trên các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, dân dụng và hạ tầng kỹ thuật, với tổng nguồn vốn gần 800 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, thị xã cũng đã tích cực phối hợp trong công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư vào thị xã như: Dự án Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình quy mô 50 giường bệnh; Dự án Khu đô thị Đông Nam; Dự án Trung tâm trưng bày, giới thiệu và cung ứng thiết bị trường học; Dự án Trường Mầm non Buôn Hồ; Dự án Khu dân cư đô thị Tây Bắc II; Siêu thị Co.opmart; chợ xã Bình Thuận; Dự án đầu tư mở rộng tuyến phân phối nước sạch do tổ chức KOICA - Hàn Quốc hỗ trợ...
Ông Phạm Phú Lộc, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ cho biết, nhằm phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 nói chung, thực hiện Nghị quyết số 05 của Thị ủy nói riêng, nhiệm kỳ tới, thị xã phấn đấu 7/7 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 5/5 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; duy trì 90% trở lên hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 96% trở lên thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa và hơn 98% cơ quan đạt chuẩn văn hóa…
Về hạ tầng, 80% trở lên các tuyến đường chính xã, phường và 90% các tuyến đường liên thôn, buôn, tổ dân phố được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; hoàn thành một số tiêu chí của đô thị loại III vào năm 2025. Trong đó, một số giải pháp trọng tâm được đưa ra đó là tập trung cải thiện môi trường đầu tư; xem xét, ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư các lĩnh vực xã hội hóa, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu. Đồng thời, tăng cường quản lý nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư các công trình trọng tâm, trọng điểm, các dự án hạ tầng quan trọng. Đặc biệt, bố trí nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại IV và một số tiêu chí đô thị loại III.
Nguồn: Báo Đắk Lắk
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0