Tạo đà cho những bước tiến mới
Cập nhật lúc: 03/01/2024 09:24 2263
Cập nhật lúc: 03/01/2024 09:24 2263
Năm 2023, mặc dù quy mô nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk đứng đầu khu vực Tây Nguyên nhưng 4 chỉ tiêu chủ yếu và một số chỉ tiêu thành phần không đạt hoặc đạt thấp hơn so với kế hoạch. Đây là những thách thức cần tháo gỡ nhằm tạo đà thực hiện thắng lợi Nghị quyết năm 2024 cũng như cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt ra 21 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó giá trị tổng sản phẩm giai đoạn 2020 - 2025 đạt trên 300.000 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 7%/năm; có 65% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025, thu ngân sách nhà nước đạt trên 12.500 tỷ đồng, chỉ số cải cách hành chính nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu…
Soi chiếu những chỉ tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ, 4 chỉ tiêu mà năm 2023 cơ bản không đạt đều là những chỉ tiêu quan trọng. Cụ thể, giá trị tổng sản phẩm (GRDP theo giá so sánh năm 2010) của tỉnh ước thực hiện trên 60.792 tỷ đồng (bằng 96,5% kế hoạch); tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 7.770 tỷ đồng (bằng 76,93% kế hoạch, giảm 14,7% so với năm 2022); phát triển doanh nghiệp chỉ đạt 83,23% kế hoạch, với 1.390 doanh nghiệp đăng ký mới; xây dựng nông thôn mới thấp hơn 4,94% so với kế hoạch. Ngoài ra, còn một số chỉ tiêu thành phần đạt thấp như: tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình ước đạt 22% (kế hoạch đề ra 30%), giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia chưa bảo đảm yêu cầu…
Đồ họa: Đức Văn - Thế Hùng |
Để đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ, trong Nghị quyết năm 2024, 4 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch của năm 2023 được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra khá cao. Cụ thể, tỉnh phấn đấu tổng sản phẩm xã hội (GRDP theo giá so sánh năm 2010) đạt khoảng 64.400 - 64.920 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế từ 6,0 - 6,8%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hơn 8.500 tỷ đồng; phát triển 1.850 doanh nghiệp; lũy kế có 85/151 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương ứng với tỷ lệ 56,3%)...
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 (mở rộng) cuối năm 2023, “điểm nghẽn” trong công tác quy hoạch là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu đã đề xuất: thực hiện kịp thời công tác lập quy hoạch các cấp cả về quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết bảo đảm đồng bộ với quy hoạch của tỉnh và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; sớm hoàn thiện lập phương án sử dụng đất nhận chuyển giao từ các nông, lâm trường, làm cơ sở cho việc giải quyết chủ trương đầu tư các dự án sử dụng đất, đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là những giải pháp căn cơ để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án thu hút đầu tư và kêu gọi thêm các dự án đầu tư mới nhằm tăng quy mô nền kinh tế tỉnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung (thứ ba từ trái sang) cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng (huyện Ea Kar). |
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình và giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo nghiên cứu, ban hành cơ chế ưu đãi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký khai thác vật liệu đất đắp. Bởi từ năm 2022, tuy UBND tỉnh đã phê duyệt 59 khu vực đất san lấp, diện tích 291,1 ha với khối lượng trên 20,377 triệu m3 bảo đảm đất đắp cho công trình nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị nào thực hiện hoạt động khai thác mỏ nên thị trường không có nguồn cung dẫn đến tình trạng khan hiếm đất đắp, tăng giá trị công trình, kéo dài thời gian thi công.
Nguồn: Báo Đắk Lắk
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0