Phát triển doanh nghiệp Đắk Lắk: Khát vọng “Thương hiệu mạnh” vươn xa
Cập nhật lúc: 19/02/2020 14:30 551
Cập nhật lúc: 19/02/2020 14:30 551
Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp đầu năm 2020, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường mong muốn chính quyền, các Sở, ngành phải tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phát huy nội lực đội ngũ doanh nhân, xây dựng được những thương hiệu mạnh đi đầu trong nền kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, trong tương lai tỉnh phải có thêm những “con sếu đầu đàn” vươn xa đến thị trường khu vực và thế giới…
Theo đánh giá của UBND tỉnh tại buổi đối thoại năm 2020, những năm gần đây nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk luôn tăng trưởng khá, số lượng doanh nghiệp thành lập ngày càng nhiều và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế. Chỉ tính năm 2019, toàn tỉnh thành lập mới 1.177 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 13 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp toàn tỉnh lên 8.975, đạt 106% so kế hoạch đề ra và tăng 8,6% so năm 2018; thu hút 54 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 12 nghìn tỷ đồng. Để hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Đắk Lắk cùng Sở, ngành đã tổ chức một số hình thức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp hằng tuần để kịp thời giải quyết những khó khăn, kịp thời điều chỉnh chính sách còn bất cập.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thăm mô hình phát triển kinh tế Đức Thành, huyện Cư M’gar
Với quyết tâm khởi nghiệp bằng con đường chế biến sâu sản phẩm nông sản lợi thế của tỉnh, anh Hoàng Danh Hữu (SN 1990), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nông trại Ede ra đời với mục tiêu kết nối các nông sản đặc trưng của Tây Nguyên đến người tiêu dùng. Ngoài việc mở rộng mạng lưới cửa hàng ở các tỉnh thành trong nước, tháng 9/2019 đánh dấu bước phát triển quan trọng khi anh cho ra mắt nhãn hiệu Miss Ede- nhãn hiệu dành cho các mặt hàng chế biến từ nông sản sạch Đắk Lắk. Hai sản phẩm chủ lực là cà phê bột và sôcôla tại Buôn Ma Thuột đã ra đời trên nền tảng hợp tác hiệu quả với các doanh nhân trẻ cùng chí hướng. Năm 2019, cà phê và sôcôla Miss Ede đã vinh dự được lãnh đạo tỉnh chọn làm quà đặc sản quảng bá kinh tế, văn hóa Đắk Lắk tại Hoa Kỳ. Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nông trại Ede cùng Simexco đã ký kết hợp tác sản xuất dòng cà phê Miss Ede đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe nhất, từ quy trình canh tác, sản xuất tới khâu chế biến, rang xay, đóng gói xuất đi thị trường trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị tham dự cà phê doanh nhân
Là một trong những doanh nghiệp chủ lực của tỉnh đầu tư vào chế biến sâu để xuất khẩu, ông Nguyễn Xuân Lợi - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê An Thái cho biết, Tập đoàn An Thái đã xây dựng và phát triển thành công hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp thị trường trong nước và mở rộng ra thị trường quốc tế tại 30 nước. Không chỉ chú trọng tìm lối đi riêng cho Tập đoàn, An Thái còn đề cao tính cộng đồng, tập thể trong kinh doanh, sản xuất. Dịp đối thoại đầu Xuân 2020, Công ty mong muốn Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban, ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp chế biến để làm sao các sản phẩm mà người nông dân sản xuất ra được chế biến, có thể vận chuyển được xa hơn, bán được ở nhiều nơi hơn, quảng bá được hình ảnh sản phẩm đặc sản của quê hương tốt hơn, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt.
Giải quyết khó khăn từ trên xuống dưới
Chia sẻ về hoạch định phát triển nội lực doanh nghiệp Đắk Lắk, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, Doanh nghiệp của tỉnh hiện đông nhưng chưa mạnh, những “con chim đầu đàn” chỉ mới đếm trên đầu ngón tay. Do đó sắp tới, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải tập trung, có định hướng hỗ trợ, tạo điều kiện và giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp để có những doanh nghiệp mạnh đóng góp vào sự phát triển của tỉnh; đồng thời trở thành những thương hiệu để đóng góp vào sự phát triển của đất nước, cũng như khu vực ASEAN. Những đề xuất, mong muốn, kiến nghị của DN tại buổi gặp mặt, đối thoại đầu Xuân hết sức chính đáng. Tôi nghĩ sau hội nghị này, nhiều vấn đề sẽ được “mổ xẻ”, phải được tính toán.
Một là, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, rà soát các quy định của pháp luật hiện nay còn phù hợp hay không, nhất là những rào cản, những "giấy phép con" không còn phù hợp phải xem xét cắt giảm.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường tham quan sản phẩm cà phê của Simexco
Thứ hai là phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, nhất là đối với các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng thì phải tập trung giải quyết theo hướng từ trên xuống, chứ không phải từ dưới lên. Trước nay, chúng ta đang làm từ dưới lên, thì bây giờ chúng ta phải làm từ trên xuống, có nghĩa là lãnh đạo tỉnh sẽ ngồi nghe ý kiến của các DN và các sở, ngành phải cho ý kiến ngay, trên cơ sở đó sau từ 3 - 5 ngày có văn bản tham mưu để cấp giấy phép cho DN. Có như vậy mới nhanh được, chứ để DN vòng đi vòng lại hết sở này, sang sở kia rất mất thời gian.
Thứ ba là tỉnh phải đồng hành cùng với DN trong việc tháo gỡ khó khăn. Có nhiều hình thức để DN gặp gỡ, trao đổi, đề xuất ý kiến với lãnh đạo tỉnh. Như vậy chúng ta giải quyết kịp thời khó khăn, mới giúp cho DN phát triển được.
Đoàn kết vươn ra biển lớn
Với kỳ vọng doanh nghiệp là động lực mạnh mẽ của nền kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường chỉ rõ, toàn tỉnh hiện có trên 9.000 doanh nghiệp, nhưng đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Một doanh nghiệp muốn đi xa không thể đi một mình. Một vấn đề lớn đặt ra trong tình hình hiện nay là tinh thần đoàn kết, đoàn kết là yếu tố thành bại của doanh nghiệp, đoàn kết để làm doanh nghiệp lớn hơn “khi đơn độc chúng ta làm rất ít, cùng nhau chúng ta có thể tạo ra nhiều thứ”. Điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường tham quan sản phẩm của Công ty cổ phần Cà phê An Thái
Bí thư mong rằng các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ phát huy tinh thần yêu nước, tình đoàn kết, gắn bó với nhau khi khó khăn, tương trợ lẫn nhau, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước; chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn; hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh khép kín, cục bộ, không minh bạch; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Với tinh thần là dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, làm giàu cho chính mình và cho xã hội, tôi tin tưởng trong thời gian tới, tỉnh ta sẽ có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hơn nữa, phấn đấu đến năm 2020, tỉnh ta có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0