Nỗ lực khắc phục khó khăn trong thực hiện cuộc Tổng điều tra năm 2021
Cập nhật lúc: 31/03/2021 07:31 991
Cập nhật lúc: 31/03/2021 07:31 991
Trong quá trình triển khai cuộc Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 (gọi tắt là Tổng điều tra), tỉnh Đắk Lắk gặp những khó khăn nhất định. Ban Chỉ đạo các cấp trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp khắc phục khó khăn để cuộc Tổng điều tra bảo đảm tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Đỗ Tấn Xuân, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc Tổng điều tra tỉnh cho biết: Cuộc Tổng điều tra năm 2021 có liên quan đến nhiều đối tượng, phạm vi rộng, nội dung phức tạp, thời gian thực hiện dài. Qua điều tra giúp tỉnh thu thập các thông tin cơ bản về kinh tế, xã hội… làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Xác định vai trò quan trọng đó, Cục Thống kê tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng điều tra theo phương án thống nhất, phù hợp với đặc thù của tỉnh. Tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, tổ thường trực các cấp; tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên các cấp; lập bảng kê các đơn vị điều tra; tập huấn nghiệp vụ; tiến hành thu thập thông tin; kiểm tra, làm sạch và xác minh thông tin...
Cán bộ Chi cục Thống kê TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra các thông tin trong phiếu kê khai do điều tra viên thực hiện. |
Tổng điều tra năm 2021 có nhiều điểm mới đó là ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả công đoạn, nội dung điều tra được thiết kế trong các bảng hỏi điện tử (Web-form) và theo phiếu điện tử (thực hiện trên CAPI) hoàn toàn không sử dụng phiếu giấy. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong Tổng điều tra giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí và phù hợp với bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 nhưng trong quá trình triển khai cũng gặp phải một số khó khăn.
Theo kết quả rà soát, toàn tỉnh có 7.762 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động và tạm ngừng hoạt động; 1.119 đơn vị sự nghiệp; 164 hiệp hội cần tiến hành tổng điều tra. Mặc dù số lượng các đơn vị cần thực hiện điều tra lớn, thông tin cần thu thập nhiều nhưng toàn tỉnh chỉ có 63 điều tra viên khối doanh nghiệp,15 điều tra viên khối sự nghiệp, hiệp hội và khoảng 440 điều tra viên khối cá thể, tôn giáo. Trong khi đó, hạ tầng công nghệ thông tin của ngành thống kê vẫn còn hạn chế, có thời điểm bị quá tải hoặc gián đoạn. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, có địa chỉ email không đầy đủ, số điện thoại thay đổi và thường di chuyển địa điểm kinh doanh gây khó khăn cho điều tra viên. Một số cơ sở kinh doanh cá thể còn có tâm lý e ngại, giấu thông tin, kê khai chưa sát với thực tế… Do đó, điều tra viên mất nhiều thời gian, công sức để thuyết phục đối tượng tự kê khai cũng như việc kiểm tra, xác minh số liệu.
Thành viên Tổ thường trực Tổng điều tra TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra, rà soát các thông tin trong biểu mẫu kê khai theo địa bàn được phân công. |
Thành phố Buôn Ma Thuột là địa phương có số lượng đơn vị điều tra lớn, nhất là khối doanh nghiệp với khoảng hơn 4.000 đơn vị. Do số lượng doanh nghiệp cần thu thập thông tin nhiều nên Chi cục Thống kê thành phố chịu trách nhiệm thu thập thông tin của trên 2.000 doanh nghiệp, số còn lại do Cục Thống kê tỉnh đảm nhận. Mặc dù vậy, tính trung bình mỗi điều tra viên phải phụ trách 105 doanh nghiệp. Chị Lê Thị Huệ, Tổ phó Tổ thường trực Tổng điều tra thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: Hiện nay, tiến độ thu thập thông tin, điều tra của các doanh nghiệp chậm, nhiều doanh nghiệp chưa kê khai. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đang tập trung hoàn thành quyết toán năm 2020 đến hết ngày 31-3; một số doanh nghiệp thay đổi địa chỉ email nên điều tra viên chưa thể gửi thư, mẫu kê khai trực tuyến; có thời điểm không đăng nhập được vào đường link để kê khai...
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, theo Chi cục trưởng Chi cục Thống kê thành phố, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra TP. Buôn Ma Thuột Trần Quang Minh cho hay: Bên cạnh nỗ lực của thành viên ban chỉ đạo, tổ thường trực, các điều tra viên, giám sát viên thì rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền để các đơn vị, doanh nghiệp hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và nhiệt tình phối hợp, kê khai trung thực, chính xác.
Tại huyện Ea Kar, đến thời điểm này, huyện đã điều tra xong 76/90 đơn vị sự nghiệp, 8/13 hiệp hội, 17/44 đơn vị khối hành chính. Riêng đối với 489 doanh nghiệp, sau khi hoàn thành quyết toán năm 2020, huyện sẽ tập trung thu thập thông tin và phấn đấu hoàn thành vào ngày 20-4. Ông Lê Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc Tổng điều tra huyện Ea Kar cho biết: Nhận thức tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra năm 2021, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thành lập các nhóm Zalo để kịp thời trao đổi thông tin, báo cáo tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Huyện cũng đã tổ chức tập huấn cho ban chỉ đạo, tổ thường trực, điều tra viên, giám sát viên cấp xã, phường, thị trấn theo từng đối tượng, hướng dẫn cặn kẽ từng bước tiến hành theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.
Theo ông Đỗ Tấn Xuân, thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh tập trung chỉ đạo các thành viên tổ thường trực giúp việc ban chỉ đạo các cấp bám sát địa bàn, cơ sở đã được phân công phụ trách để đôn đốc, nhắc nhở, theo dõi tiến độ và kịp thời hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tính trung thực, chính xác và khách quan của thông tin thu thập từ Tổng điều tra; phát hiện các sai sót khác gặp phải trong quá trình triển khai, những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện từ đó có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.
Theo kế hoạch, cuộc Tổng điều tra năm 2021 được tiến hành từ ngày 1-3. Khối doanh nghiệp thời gian thu thập từ ngày 1-3 đến 30-5-2021; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội thu thập từ ngày 1-3 đến 30-4-2021. Các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, tôn giáo, tín ngưỡng thu thập từ ngày 1-7 đến 30-7-2021. |
Nguồn: Báo Đắk Lắk
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0