Những chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính tại Đắk Lắk (giai đoạn 2011-2020)
Cập nhật lúc: 02/07/2020 07:14 390
Cập nhật lúc: 02/07/2020 07:14 390
Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt, kiên trì của của cả hệ thống chính trị tỉnh và cả toàn dân; đây là một trong những nội dung được đánh giá định kỳ trong các chương trình làm việc của BCH Đảng bộ tỉnh, HĐND và UBND tỉnh. Điểm nhấn trong công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính là tỉnh Đắk Lắk đã đề ra những giải pháp và mô hình mới để nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành và địa phương thực hiện tốt công tác cải cách hành chính.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC năm 2019
Giai đoạn 2011 – 2020 UBND tỉnh đã ban hành trên 1.220 văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc các hoạt động CCHC. Nổi bật, UBND tỉnh đã tích cực thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở, ghi nhận tầm quan trọng về sự tham gia của người dân vào các vấn đề chung của địa phương. Tỉnh đã tổ chức 09 cuộc khảo sát lấy ý kiến của hơn 10.670 người dân, doanh nghiệp về dịch vụ công. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã kiểm tra 189 đợt tại 100% sở, ban, ngành, 100% UBND cấp huyện và phần lớn UBND cấp xã. Tỉnh ủy cũng tiến hành giám sát thực hiện Chương trình số 18-CTr/TU ngày 29/10/2007 của Tỉnh ủy (khoá XIV) về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước; HĐND tỉnh thực hiện giám sát cải cách TTHC đối với lĩnh vực y tế, xây dựng và giám sát cải cách TTHC tại 01 xã và 06 phòng chuyên môn thuộc UBND thị xã Buôn Hồ. Tỉnh đã tập trung kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị có nhiều giao dịch hành chính liên quan trực tiếp đến công dân, doanh nghiệp như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Buôn Ma Thuột...
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh làm công tác tổ chức tại Hội thi ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả CCHC tỉnh năm 2019
Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã tổ chức 8 đợt truyền thông, thông tin tuyên truyền về CCHC tại vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu thông tin; in và phát hành 1.000 cuốn “Sổ tay - Kinh nghiệm lập kế hoạch, tổ chức triển khai và theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC”; sản xuất 53 chương trình “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”; tổ chức diễn đàn chuyên mục về “Đối thoại chính sách và CCHC”, “Nói và làm”; in mới và duy trì 10 cụm pa-nô tuyên truyền; phát video đồ họa thể hiện thông điệp CCHC tỉnh Đắk Lắk tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp; tổ chức hơn 15 Hội thi, cuộc thi tìm hiểu nội dung chương trình CCHC: Cuộc thi viết tìm hiểu CCHC cho hơn 22.000 CBCCVC...
Giai đoạn 2011 - 2020, Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã đăng tải hơn 330 tin, bài với hơn 590 hình ảnh và video về CCHC. Báo Đắk Lắk đã xây dựng và đăng tổng cộng hơn 750 tin, bài, video clip liên quan đến CCHC. Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã liên kết với Trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đáp ứng nhu cầu của công dân, tổ chức trong việc tìm hiểu TTHC, thông tin hoạt động và hướng dẫn nghiệp vụ ngành, lĩnh vực.
Về đánh giá tổng thể chương trình cải cách hành chính: Từ năm 2011 đến ngày 31/3/2020, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 605 văn bản QPPL, gồm 158 nghị quyết, 402 quyết định, 45 chỉ thị nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2011 - 3/2020, HĐND, UBND cấp huyện đã xây dựng, ban hành 203 văn bản QPPL, gồm 71 nghị quyết, 94 quyết định, 36 chỉ thị. Về kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật: Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 455 văn bản (402 quyết định QPPL, 45 chỉ thị QPPL và 08 văn bản có chứa QPPL). Qua kiểm tra, đã phát hiện, đề nghị xử lý 15 văn bản không phù hợp quy định pháp luật (07 văn bản QPPL, 08 văn bản chứa QPPL).
Các thí sinh thể hiện phần thi tại Hội thi thanh niên Đắk Lắk chung tay CCHC năm 2019
Trong 10 năm thực hiện chương trình cải cách hành chính, các ngành chức năng đã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đơn giản hóa TTHC nhằm kịp thời phát hiện những nội dung bất cập, không phù hợp của TTHC, văn bản QPPL có quy định về TTHC để đề xuất các phương án đơn giản hóa TTHC theo quy định. Hàng năm đều ban hành các Kế hoạch rà soát và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát, đánh giá TTHC theo Kế hoạch. Đến nay, đã công bố 1.595 TTHC ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ trên các lĩnh vực. Tỉnh cũng đã ban hành các Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc các lĩnh vực. Qua đó, các hoạt động về kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh được truyền tải rộng rãi đến toàn thể đội ngũ CBCCVC và người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, duy trì thông tin TTHC trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm công khai, minh bạch các thông tin về TTHC cho cá nhân, tổ chức.
Tình hình triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông: Ngày 28/12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND, về việc xin lỗi bằng văn bản trong trường hợp giải quyết TTHC quá hạn. Qua đó, thể hiện tinh thần, trách nhiệm để góp phần xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, liêm chính, kiến tạo phát triển, gắn bó với Nhân dân, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân; đồng thời nâng cao sự hài lòng, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến rõ nét, nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Kết quả triển khai và thực hiện các nội dung về cải cách chế độ công vụ, công chức: Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của tỉnh đã từng bước có chuyển biến tích cực, nhất là trong việc quy hoạch, lập kế hoạch hàng năm; đào tạo, bồi dưỡng gắn với nhu cầu sử dụng, theo vị trí việc làm; cử đi đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo đúng đối tượng, số lượng; từng bước góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sau đào tạo như: hỗ trợ chính sách cho cán bộ, công chức sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, chuyên khoa; hỗ trợ một phần kinh phí cho cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời trong bố trí, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm đã chú trọng đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ được đào tạo cơ bản tạo động lực khuyến khích đội ngũ cán bộ vươn lên học tập, nghiên cứu và công tác. Đội ngũ cán bộ từng bước được nâng cao chất lượng, đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh
Ban chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ tại phiên họp trực tuyến năm 2018
Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách quản lý thuế để phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Hệ thống chính sách thuế được ban hành dưới dạng Luật, bao gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)...; UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan thuế đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc CCHC về thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế; tăng cường chống thất thu, nhất là đối với các lĩnh vực trọng điểm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương của ngành thuế; các cấp, các ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả; một số chính sách thuế có hiệu lực thi hành đã tác động tích cực đến nguồn thu NSNN của tỉnh, trong đó, đặc biệt là chính sách thuế tài nguyên,… đã tác động làm tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh.
Qua gần 10 năm triển khai thực hiện (2011 - 2020), chương trình CCHC của tỉnh đạt nhiều kết quả, những vấn đề mang tính bức xúc đã có chuyển biến tích cực. Đến nay, công tác CCHC của tỉnh đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu đề ra từ đầu giai đoạn. Đội ngũ CBCCVC có số lượng hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ Nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước; 100% các cơ quan hành chính Nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2019...
Việc đưa Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh vào hoạt động tạo bước đột phá trong công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa nền hành chính nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh trở thành đầu mối tập trung để cơ quan chuyên môn, các sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp nhận và phối hợp giải quyết TTHC nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết TTHC của cơ quan Nhà nước; đồng thời tăng cường tính liên thông trong giải quyết TTHC, bảo đảm nhanh chóng, công khai, minh bạch, không có khâu trung gian, giảm chi phí thực hiện, góp phần cải thiện chất lượng công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Bộ máy hành chính ở 03 cấp chính quyền đã được kiện toàn và củng cố theo hướng tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong bộ máy quản lý Nhà nước được quy định cụ thể; các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc 03 cấp đã thực hiện bố trí, sắp xếp gắn chuyên môn, nghiệp vụ với vị trí việc làm. Thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tiếp tục được tăng cường; công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức theo quy định, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ,công chức, viên chức.
Ảnh minh họa
Những thành công của cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 sẽ là cơ sở, nền móng vững chắc cho chính quyền tỉnh Đắk Lắk thực hiện tốt những bước đi tiếp theo trong giai đoạn tới, tin rằng với sự chủ động và sáng tạo của mình, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu về công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn tiếp theo.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0