Nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ CCHC
Cập nhật lúc: 02/03/2021 08:36 410
Cập nhật lúc: 02/03/2021 08:36 410
Theo báo cáo kết quả khảo sát độc lập của Viện Khoa học Xã hội Vùng Tây Nguyên, CCHC của tỉnh trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một số địa phương chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Chỉ số hài lòng của doanh nghiệp, người dân đạt trên 80%...
Người dân làm thẻ căn cước công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (Ảnh minh họa)
Ghi nhận từ phiếu điều tra, Chỉ số hài lòng (SIPAS) của tỉnh được tiến hành độc lập trên cơ sở lấy ý kiến đánh giá của đông đảo người dân, doanh nghiệp/tổ chức trên toàn địa bàn tỉnh các năm 2019 và 2020 đều đánh giá mức hài lòng trên 80% (năm 2019, chỉ số hài lòng là 81,06% và năm 2020 là 82,9%). Đặc biệt, không có sở, ngành nào chỉ số hài lòng dưới 80%.
Nhận xét chung của người dân là việc thực hiện thủ tục hành chính công được cải thiện đáng kể trong các năm gần đây. Các kiến nghị do đơn vị điều tra độc lập rút ra từ điều tra đều được lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk lắng nghe và triển khai thực tế. Một số đơn vị nhiều năm liên tiếp nhằm trong top đầu về CCHC và SIPAS như huyện Krông Năng, thị xã Buôn Hồ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Nội vụ….
Đối tượng sử dụng các dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh chủ yếu là những người trong độ tuổi từ 25 – 49 tuổi; trình độ học vấn chủ yếu dưới mức đại học, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và các huyện, sở ngành cho thấy quyết tâm nâng cao chỉ số CCHC của địa phương. Trên thực tế, quyết tâm trên đã được thực tế hóa, tạo sự chuyển biến đáng kể trong CCHC các cấp trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ hành chính công, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức.
Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại tại Bộ phận một cửa các huyện, đặc biệt, từ đầu năm 2020, Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh được đưa vào hoạt động, đã góp phần cải thiện các chỉ số và sự hài lòng của người dân, tổ chức về tiếp cận dịch vụ, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Các chỉ số đánh giá về năng lực, thái độ và trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao. Tỷ lệ trễ hẹn, số lượt đi lại của người dân giảm qua các năm. Tình trạng công chức lợi dụng chức quyền tại một số đơn vị cấp huyện, sở giảm đáng kể, thậm chí tại nhiều đơn vị được người dân đánh giá không có.
Một số địa phương chủ động, sáng tạo trong CCHC. Một số địa phương như UBND thành phố Buôn Ma Thuột chủ động phối hợp với tổ chức khoa học độc lập tiến hành điều tra CCHC đối với xã, phường trên địa bàn nhằm đảm bảo tính trung thực, khách quan trong đánh giá CCHC địa phương.
Trên cơ sở kết quả điều tra xã hội học, Viện KHXH Vùng Tây Nguyên cũng khuyến nghị: Đắk Lắk cần tăng cường nội dung tuyên truyền lợi ích dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và vai trò của dịch vụ Bưu chính công ích trong cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cần triển khai đề án nghiên cứu khoa học nhằm xác định các yếu tố tác động, nguyên nhân hạn chế và xây dựng giải pháp trên cơ sở luận cứ khoa học nhằm nâng cao chỉ số CCHC một cách bền vững, đồng bộ tại tất cả các cơ quan hành chính, các địa phương, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Công tác tuyên truyền, hướng dẫn về cải cách hành chính, các thủ tục, quy trình giải quyết thủ tục hành chính cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân; hình thức tuyên truyền nên lồng ghép với các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt thôn buôn, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể; phương thức tuyên truyền trực tiếp, ngắn gọn và đơn giản; nội dung tuyên truyền trực tiếp hướng dẫn thủ tục hành chính và quy trình giải quyết thủ tục hành chính.
Nguồn: daklak.gov.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0