Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội
Cập nhật lúc: 28/10/2024 10:46 403
Cập nhật lúc: 28/10/2024 10:46 403
Tham gia thảo luận tại Tổ 13, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến những nội dung này.
Thảo luận về nội dung phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Bí thư Thị ủy Buôn Hồ) đánh giá, năm 2024 là năm có nhiều khó khăn đan xen với thuận lợi trong quá trình Quốc hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, cũng như Chính phủ điều hành trong nhiệm vụ phát triển KTXH của quốc gia.
Trong bối cảnh tình hình thế giới còn rất nhiều yếu tố phức tạp, các chiến sự liên tiếp xảy ra, mâu thuẫn gay gắt trong từng quốc gia và có những liên kết, tác động rất lớn đến ổn định, phát triển nền kinh tế của đất nước cũng như vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của nhiều địa phương và cả nước.
Tuy nhiên, với sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực của từng địa phương, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát và phục hồi KTXH thể hiện rất tích cực trên nhiều mảng, nhiều lĩnh vực; nhiều chỉ tiêu đề ra đã đạt và vượt. Từ những dự báo tình hình cũng có thể thấy rằng KTXH của Việt Nam tiếp tục ổn định và tạo những động lực để phát triển cho năm 2025.
Đối với các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, nhờ thực hiện, triển khai nhiều chính sách và sự chỉ đạo quyết liệt của các bộ, ngành nên chất lượng được nâng lên rất rõ; đời sống của người dân cũng được nâng lên.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Bí thư Thị ủy Buôn Hồ) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn đòi hỏi Chính phủ cần quan tâm để có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong những tháng cuối năm nhằm đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, bởi năm 2024 là năm bứt phá và tăng tốc để bước vào năm 2025 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Như vậy nhiệm vụ của những tháng cuối năm cũng rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ; trong đó có vấn đề về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp, chính sách để hỗ trợ; tuy nhiên qua số liệu báo cáo 9 tháng năm 2024, có tới 163,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 21,5%.
Điều này cũng cho thấy, trong việc đánh giá về khả năng phục hồi và quá trình phục hồi phát triển KTXH của đất nước thì đã có sự phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả. Nhưng đối với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tức là giải thể, phá sản thì rất lớn và tăng hơn so với cùng kỳ.
Đại biểu đề nghị, cần đánh giá lại việc các chính sách đã đi vào thực tiễn đời sống, đã thật sự tháo gỡ cho doanh nghiệp được hay không, hoặc những chính sách đó chưa phù hợp, chưa đi vào thực tiễn, hay có những cơ chế mà doanh nghiệp chưa tiếp cận được những chính sách này và vẫn còn đang vướng về mặt quy phạm pháp luật…
Góp ý về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, tình trạng giải ngân vẫn còn chậm và đạt thấp, mới chỉ đạt 47,29% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (51,38%). Do vậy cần phải đánh giá lại nguyên nhân từ phương diện cả nước và ở thực tiễn từng địa phương.
Đại biểu Nguyệt thông tin thêm: Tại tỉnh Đắk Lắk, hằng năm đã chỉ đạo rất quyết liệt, sát sao về việc triển khai kế hoạch đầu tư công. Riêng năm 2024, Đắk Lắk đã tăng hơn so với năm trước và có sự chuyển biến rõ. Tuy nhiên, qua tổng thể báo cáo của Chính phủ, với số liệu đã nêu, thì vẫn còn nhiều điểm nghẽn và còn nhiều vấn đề trong việc giải ngân vốn đầu tư công như tình trạng có nhiều hạng mục công trình, bố trí nguồn vốn đã phải chuyển hạng mục, chuyển đổi nguồn vốn và xin kéo dài thời hạn; có những địa phương cần nguồn vốn thì là không thực hiện được, không được bố trí…
Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc đánh giá lại thể chế, những quy định, trách nhiệm của các chủ đầu tư, chủ dự án, các địa phương trong vấn đề tiếp nhận các nguồn đầu tư công để có thể triển khai giải ngân đảm bảo yêu cầu, đúng tiến độ để tránh trường hợp phải chuyển đi chuyển lại, kéo dài trong thời gian và chuyển nguồn.
Quan tâm đến việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết, mặc dù thời gian qua Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng tình trạng lừa đảo người dân qua không gian mạng, qua điện thoại di động hiện nay đang nổi cộm và rất phổ biến nhưng chưa được khắc phục.
Đã có nhiều trường hợp giả dạng công an, quân đội, người thực hiện công chứng, thủ tục làm căn cước công dân gọi điện thoại liên tục, vừa phiền hà, vừa gây rắc rối, tâm lý hoang mang cho người dân; thậm chí đã có nhiều trường hợp người dân bị mắc lừa và mất một khoản tiền rất lớn.
Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ Công an phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức những chuyên án để đấu tranh, tiếp tục tăng cường và quyết liệt phòng ngừa, đấu tranh đối với loại tội phạm này…
Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk) nêu rõ: Bên cạnh những kết quả đạt được như: quốc phòng an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, giữ vững; xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân, đặc biệt tại các địa bàn chiến lược, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống ở các khu vực xung yếu. Tỷ lệ điều tra khám phá về các vụ án liên quan đến trật tự an toàn xã hội đã vượt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên trên lĩnh vực phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật thì vẫn còn một số lĩnh vực mà cần phải tiếp tục quan tâm như vấn đề tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức, tội phạm công nghệ cao, rồi tội phạm an ninh mạng.
Với cương vị là một cán bộ trong lực lượng vũ trang, đại biểu rất chia sẻ về vấn đề này. Đại biểu thông tin: Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn cảnh báo về những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại tội phạm lợi dụng công nghệ thông tin, lợi dụng trên các trang mạng hiện nay. Tuy nhiên, các loại đối tượng, tội phạm này hoạt động ngày càng tinh vi, thay đổi phương thức hằng ngày. Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo về nội dung này, thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, những thay đổi về phương thức hoạt động của các loại tội phạm này để cảnh báo, cảnh tỉnh cho người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã rất nỗ lực cố gắng trong việc quản lý SIM rác; SIM, card điện thoại của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những người dân bị mắc bẫy, sập bẫy dưới mọi hình thức. Đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công an mà đây cũng là một trong những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị trong vấn đề tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác, không vi phạm, không mắc bẫy...
Đánh giá cao kết quả thực hiện phát triển KTXH trong 9 tháng qua, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng: Trước dự kiến tình hình phức tạp, khó đoán định của thế giới, Đảng, Nhà nước ta đã có những phản ứng rất linh hoạt, hiệu quả trước những biến động bên ngoài để triển khai phát triển KTXH ở trong nước. Đặc biệt, trong công tác đối ngoại, chúng ta tiếp tục kiên trì chủ trương ngoại giao cây tre, và lĩnh vực đối ngoại tiếp tục là một điểm sáng, nâng tầm uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao hơn…
Phân tích về các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng, nguyên nhân chủ quan đầu tiên mà Chính phủ nêu ra là do thể chế còn nhiều vướng mắc, nhất là trong phân cấp, phân quyền chưa mạnh mẽ, tập trung nhiều ở trung ương; giữa Chính phủ với Quốc hội vẫn có những mặt còn chồng chéo, trùng lặp.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Theo đại biểu, đánh giá này cần nghiên cứu, xem xét lại, bởi trong những năm trở lại đây, Chính phủ đưa ra những bất cập về thể chế và Quốc hội đã đồng hành, tháo gỡ một cách rất kịp thời nhiều những nội dung liên quan tới thể chế. Mặc dù hiện tại vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến thể chế, nhưng nếu đánh giá nguyên nhân chủ quan đầu tiên là về thể chế thì sẽ hơi mang tính chủ quan, áp đặt.
Đối với vấn đề phân cấp, phân quyền, đại biểu cho rằng mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc; trong đó yếu tố quan trọng nhất là về con người; phản ứng với chính sách của một số cơ quan, địa phương vẫn còn lúng túng. Một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức vẫn còn tâm lý e ngại, né tránh, sợ trách nhiệm, làm việc chưa thực sự, đặc biệt là sợ trách nhiệm khi được giao việc, giao vốn, giao nhiệm vụ.
Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm; nhưng vẫn chưa thực sự tháo gỡ được điểm nghẽn về tư tưởng, về thái độ, về tinh thần trách nhiệm của một bộ phận công chức hiện nay. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ có những cơ chế, chính sách sát, phù hợp, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy được hết năng lực và trách nhiệm khi được phân công nhiệm vụ.
Quan tâm đến phát triển thị trường trong nước, kích cầu sản xuất, cũng như kích cầu tiêu dùng trong nước, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng cần có những cơ chế tạo điều kiện cho các sản phẩm trong nước phát triển đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng đảm bảo và hướng đến một thị trường của người dân Việt Nam phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam; hướng đến một nền kinh tế nội địa mà trong đó sản xuất và tiêu dùng nó phải ngang tầm, chất lượng.
Liên quan đến vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bão lũ, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng cần phải có một chiến lược thật mạnh mẽ đối với việc bảo vệ diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn; trong phát triển KTXH thực hiện nghiêm quan điểm không đánh đổi phát triển kinh tế với vấn đề bảo vệ môi trường.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận Tổ, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh) đánh giá: Công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng pháp luật vẫn còn một số hạn chế, bất cập và lãng phí còn diễn ra khá bổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển. Đại biểu nêu rõ, trên thực tế, việc lãng phí xảy ra ở rất là nhiều góc độ, chiều cạnh; có thể cho là những việc nhỏ, không đáng quan tâm, tuy nhiên nó cũng sẽ là cái góp phần gây cho sự phát triển KTXH có những mặt không đạt được mục tiêu.
Đại biểu cũng cho rằng, việc chậm ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai các nội dung trên thực tế của các địa phương. Đơn cử như việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, một số bộ, ngành chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Có thể kể đến như: Theo Chương 4, Thông tư số 55 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 có 16 nội dung Bộ Tài chính yêu cầu UBND các tỉnh căn cứ văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương để xây dựng trình HĐND tỉnh quy định nội dung và mức hỗ trợ sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình nông thôn mới. Tuy nhiên là một số ngành thì cũng còn chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện nay chưa ban hành hướng dẫn chi hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải, sinh hoạt, quy mô hộ gia đình, cấp thôn theo Điều 83 của Thông tư số 55.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành chi hỗ trợ, tổ chức thực hiện đề án kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thí điểm và hỗ trợ nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn, phát sinh và xây dựng kế hoạch liên tiếp thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn, theo khoản 2, Điều 103 của Thông tư số 55.
Bên cạnh đó, việc chi đẩy mạnh xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường tại những khu vực tập trung nhiều nguồn thải, những nơi gây ô nhiễm…, thì theo Thông tư 55, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cũng chưa ban hành hướng dẫn văn bản này.
Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cũng chưa hướng dẫn để chi hỗ trợ thành lập mô hình duy trì sinh hoạt, mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại cấp trung ương, đại diện vùng miền và nhân rộng mô hình tại các tỉnh, thành phố. Cùng với đó là mạng lưới cố vấn, tư vấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thành lập mới do phụ nữ làm chủ theo điểm c, khoản 2, Điều 117 của Thông tư số 55.
Thêm một ví dụ khác như hiện nay Bộ Tư pháp cũng chưa ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định số 56, ngày 18/5/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức bộ máy pháp chế để các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho rằng, hiện nay tổ chức bộ máy pháp chế đối với các cơ quan nhà nước, ví dụ như ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn trong thực hiện công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật. Bởi hiện nay, chúng ta không có bố trí biên chế, bộ phận pháp chế cho phù hợp tương xứng với chức năng nhiệm vụ để tổ chức thực hiện nội dung này trên thực tế.
Một vấn đề khác nữa là việc nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo tại một số tỉnh, thành phố đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật Quốc hội khóa 15. Tuy nhiên đến nay, nhiệm vụ này chưa đảm bảo tiến độ đề ra.
Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ việc lùi thời hạn ban hành văn bản, hoặc đề xuất nội dung này như thế nào, bởi phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non đang thí điểm, để rồi có phổ cập cho độ tuổi từ 3-5 tuổi. Hiện nay chúng ta đang thực hiện là đối với trẻ 5 tuổi, còn đối với những địa phương như Đắk Lắk để phổ cập độ tuổi từ 3-5 tuổi cũng cần có nguồn lực, các điều kiện để triển khai thực hiện cho phù hợp…
Quan tâm đến ảnh hưởng của cơn bão số 3, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có đánh giá kỹ tác động, ảnh hưởng của cơn bão số 3; trong đó tác động, ảnh hưởng của nó đến công tác xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời cũng cần rút kinh nghiệm để nâng cao năng lực dự báo, giảm thiểu thiệt hại tối thiểu nhất đối với ảnh hưởng do hậu quả của thiên tai gây ra…
Nguồn: https://baodaklak.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0