Kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực, duy trì triển vọng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 6,8%
Cập nhật lúc: 04/12/2019 09:25 337
Cập nhật lúc: 04/12/2019 09:25 337
Ngày 02/12/2019, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực, duy trì triển vọng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 6,8%. Các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư, doanh nghiệp... trong tháng đều có mức tăng khá, tạo đà thuận lợi cho việc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội... trong tháng cuối cùng của năm 2019.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,96% so với tháng 10/2019, chủ yếu do nguồn cung thịt lợn giảm làm giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao. Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo kịp thời các giải pháp, nhờ đó, tính chung 11 tháng, CPI bình quân chỉ tăng 2,57% so với cùng kỳ, là mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. CPI tháng 11/2019 tăng 3,78% so với tháng 12/2018 và tăng 3,52% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế ước đạt 10,28% so với cuối năm 2018; thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, tính đến ngày 26/11/2019, giá trị vốn hóa của thị trường đạt 80,4% GDP, tăng 12,3% so với cuối năm 2018; thu NSNN tích cực, ước đạt 97,5% dự toán, chi NSNN ước đạt 77,3% dự toán được giao.
Vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài (bao gồm cả FDI) đăng ký ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 67,8% tổng số vốn đăng ký; giải ngân vốn FDI đạt khá, ước gần 17,7 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ.
Giải ngân vốn đầu tư công đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự rõ nét, giải ngân 11 tháng ước đạt khoảng 231,7 nghìn tỷ đồng, bằng 58,16% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, giải ngân vốn nước ngoài đạt 30,89%; vẫn còn khoảng 67,7 nghìn tỷ đồng giá trị khối lượng thực hiện chưa làm thủ tục giải ngân; 20 Bộ, ngành và 07 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó 09 Bộ, ngành và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2019. Ảnh: Chinhphu.vn |
Nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định, dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương được kiểm soát, công tác tái đàn đang được triển khai; sản xuất thủy sản tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, sản lượng 11 tháng ước tăng 5,7% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 11 tháng tăng 9,3% so với cùng kỳ, trong đó, lĩnh vực chế biến, chế tạo, ước tăng 10,6% (cùng kỳ năm 2018 tăng 12,1%). Khu vực dịch vụ, du lịch có mức tăng trưởng tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,8% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,3% (cùng kỳ tăng 8,7%). Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng đạt trên 1,8 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, tính chung 11 tháng đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu hàng hóa 11 tháng ước đạt trên 241,4 tỷ USD, tăng 7,8%; cán cân thương mại duy trì xuất siêu 9,1 tỷ USD, trong đó nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất, khoảng 48,7 tỷ USD, tăng 5,4%, chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, trong đó các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… đều tăng trưởng chậm lại. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn nhiều yếu tố khó lường và vẫn là thách thức lớn. Một số tồn tại hạn chế trong nước như giá thịt lợn tăng do nguồn cung thịt lợn giảm làm giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao; kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm. Giải ngân vốn đầu tư công đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự rõ nét.
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận các biện pháp trong tháng 12 để đạt kết quả tốt nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại./.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0