Họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Cập nhật lúc: 19/05/2020 14:07 584
Cập nhật lúc: 19/05/2020 14:07 584
Ngày 14/5/2020 đã diễn ra phiên họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp được nghe đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch trình bày một số nội dung chính về nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiệm vụ lập quy hoạch được xây dựng theo quan điểm đảm bảo phù hợp giữa quy hoạch của Tỉnh với định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia liên quan trên địa bàn Tỉnh. Đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn Tỉnh, phù hợp với khả năng cân đối, huy động về nguồn lực triển khai của tỉnh Đắk Lắk. Việc lập quy hoạch Tỉnh được dựa trên các đánh giá đầy đủ về giá trị địa kinh tế - chính trị của Tỉnh, các điều kiện và bối cảnh từ bên ngoài đến phát triển của Tỉnh.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI |
Việc xây dựng quy hoạch theo nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất, tổng thể, đồng bộ và hệ thống giữa quy hoạch tỉnh với với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo sự kết hợp hiệu quả giữa quản lý ngành, lĩnh vực với quản lý lãnh thổ, tính kết nối liên ngành, lĩnh vực và liên vùng. Đảm bảo lập quy hoạch dựa trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; đảm bảo tính kế thừa và tính mở để tiếp cận các phương pháp quy hoạch cấp tỉnh hiện đại…
Tham gia phản biện, chuyên gia Ngô Công Thành, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hồ sơ trình thẩm định của tỉnh Đắk Lắk được chuẩn bị công phu. Tuy nhiên, nội dung đánh giá quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất chưa được thể hiện rõ và cần bổ sung.
Ông Ngô Công Thành cũng đánh giá về cấu trúc báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch, nội dung đề xuất, yêu cầu tiến độ, quy trình quy hoạch… và cho rằng, các nội dung cần bám sát yêu cầu của Luật quy hoạch để dễ thực hiện sau này. Các nội dung quy hoạch cần bám sát theo quy định của Điều 27, 28 của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch, tên các đầu mục và nội dung phải có sự tương thích với nhau.
Về dự báo nhiệm vụ lập quy hoạch, chưa xác định rõ yêu cầu đối tượng dự báo, các chỉ tiêu dự báo, phương pháp, mô hình, số liệu dự báo. Về đánh giá thực trạng phát triển của Tỉnh, cần bổ sung nội dung tồn tại, hạn chế, tập trung phân tích điểm mạnh, điểm yếu của Tỉnh; nội dung yêu cầu dự báo; nguy cơ tác động thiên tai trên địa bàn Tỉnh, đồng thời, phải xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.
Chuyên gia Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, Báo cáo đánh giá rà soát quy hoạch thời kỳ trước cơ bản đã tập trung, rà soát, đánh giá được kết quả quy hoạch giai đoạn trước, nội dung khá đầy đủ. Tuy nhiên, còn thiếu một số nội dung rà soát liên quan đến sử dụng đất, phát triển khu đô thị trên địa bàn Tỉnh. Đánh giá vai trò của Tỉnh trong phát triển vùng, đặc biệt là thành phố Buôn Ma Thuột là thủ phủ của Tây Nguyên. Do vậy cần tập trung đánh giá kỹ hơn nội dung này, nêu ra các nhận định cơ bản, đặc biệt là các nguyên nhân để làm sao xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch thời kỳ tới đưa ra được tầm nhìn, chú ý đến mục tiêu phát triển để trở thành trung tâm phát triển của vùng Tây Nguyên.
Về nội dung quy hoạch thời kỳ tới thiếu của bối cảnh phát triển của đất nước, Tây Nguyên, vùng duyên hải Trung Bộ vì đây cũng là điểm nối của khu vực Tây Nguyên. Về nhu cầu phát triển trong thời kỳ quy hoạch cần bổ sung nhu cầu phát triển mới, phát huy lợi thế của Tỉnh.
Chuyên gia Trần Đình Thiên tập trung đánh giá về các nội dung liên quan đến các hạng mục công việc quy hoạch; Quan điểm quy hoạch, cần bổ sung yêu cầu và luận chứng quan điểm phát triển theo hướng hiện đại hóa; tỉnh Đắk Lắk trở thành trung tâm và thành phố Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ của vùng Tây Nguyên. Đồng thời xác định đột phá, ưu tiên nguồn lực phát triển; cần ưu tiên doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đột phá phát triển công nghệ cao; quy hoạch không gian, đô thị phát triển. Phương án xây dựng, triển khai các giải pháp quy hoạch nên bổ sung thêm giải pháp phát triển doanh nghiệp và thị trường …
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng trình bày bản nhận xét về nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho biết, hồ sơ trình thẩm định của Tỉnh đáp ứng theo yêu cầu; Báo cáo thuyết minh theo văn bản quy định; dự toán kinh phí theo quy định các thông tư; Báo cáo rà soát đánh giá quy hoạch thời kỳ trước cần được hoàn chỉnh lại theo yêu cầu của Nghị định 37.
Về các căn cứ lập quy hoạch, đề nghị bám sát theo quy định của Điều 20 của Luật quy hoạch và Điều 15, 16, 17 của Nghị định 37, rà soát các căn cứ. Các nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch được chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng các nội dung về quy hoạch Tỉnh. Tuy nhiên, cần rà soát các đầu mục, yêu cầu nội dung để phù hợp Nghị định 37, đảm bảo trên địa bàn cấp tỉnh chỉ có một quy hoạch, được thực hiện theo phương pháp tích hợp, đảm bảo tính phối hợp liên ngành và đảm bảo không gian phát triển trên địa bàn Tỉnh…
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cảm ơn các ý kiến góp ý của các chuyên gia, thành viên Hội đồng và khẳng định, Tỉnh sẽ nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định. Đồng thời cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Tỉnh đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các ngành, các cấp và lãnh đạo Tỉnh các thời kỳ. Tỉnh cũng đang xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ nhiệm kỳ 2021-2025, đây là cơ hội để Tỉnh tiếp thu ý kiến đóng góp của các bậc lão thành cách mạng, của tầng lớp trí thức, lãnh đạo Tỉnh qua các thời kỳ. Đây là cơ sở quan trọng trong quá trình xây dựng quy hoạch thời kỳ tới. Tỉnh Đắk Lắk xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và nghiêm túc để chuẩn bị. Việc xác định tầm nhìn đến năm 2050 là một thời kỳ dài để xác định được vị thế của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến góp ý của các chuyên gia, thành viên Hội đồng và nhấn mạnh, Tỉnh cần tập trung hơn nữa để phát huy các tiềm năng lợi thế của mình cũng như của vùng Tây Nguyên. Việc xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch chỉ mới là bước đầu tiên của lập quy hoạch Tỉnh, do vậy nếu thực hiện công việc này tốt sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng quy hoạch sau này đạt chất lượng hơn.
Những vấn đề cần chú ý khi lập quy hoạch tỉnh Đắk Lắk là tiếp tục xác định giao thông là khâu đột phá, tạo sự bứt phá trong liên kết kinh tế giữa tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh lân cận. Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của Thành phố. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, phát triển du lịch, chú trọng đầu tư các công trình, dự án trọng điểm của Tỉnh…
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở góp ý của các thành viên Hội đồng, các chuyên gia, Tỉnh cần sớm hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định để trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tại phiên họp, 100% thành viên Hội đồng tham dự thống nhất thông qua với điều kiện có tiếp thu chỉnh sửa, nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng ngày đã diễn ra phiên họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với kết quả 100% thành viên Hội đồng tham dự thống nhất thông qua với điều kiện có tiếp thu chỉnh sửa, hoàn thiện.
Việc xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hòa Bình nhằm cụ thể hóa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định của pháp luật đối với công tác quy hoạch. Quy hoạch được thực hiện theo phương pháp tích hợp, đa ngành, có tầm nhìn dài hạn để khắc phục những tồn tại, khó khăn của Tỉnh, đồng thời là cơ sở pháp lý để kiểm soát, kết nối và phối hợp phát triển các ngành, lĩnh vực.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI |
Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ tới nhằm kế thừa và cụ thể hóa những định hướng của quy hoạch, phát huy các tiềm năng, lợi thế và các giá trị khác biệt của Tỉnh, là công cụ pháp lý quan trọng giúp địa phương hoạch định, kiến tạo động lực không gian phát triển, đảm bảo tính kế thừa và kết nối đồng bộ giữa các quy hoạch. Đồng thời là cơ sở để quản lý phát triển theo quy hoạch và thu hút các nguồn lực đầu tư. Quy hoạch được xây dựng theo hướng tiếp cận mới đa lĩnh vực, tiếp thu những yếu tố và giá trị mới, tạo ra những giá trị khác và đột phá…
Việc lập quy hoạch đảm nguyên tắc thống nhất và đồng bộ nhưng cũng giải quyết những vấn đề bất hợp lý, xung đột giữa quy hoạch tỉnh Hòa Bình với các chiến lược phát triển kinh tế cấp quốc gia và cấp vùng. Đồng thời đảm bảo khai thác và phát huy các tiềm năng và lợi thế về công nghiệp, du lịch, nông lâm nghiệp. Đảm bảo phát huy lợi thế địa lý của tỉnh Hòa Bình, vùng Thủ đô Hà Nội, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đáp ứng các yêu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập…/.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0