Hội thảo khoa học định hướng, giải pháp chính sách thu hút nhân tài cho tỉnh Đắk Lắk
Cập nhật lúc: 26/09/2019 13:17 367
Cập nhật lúc: 26/09/2019 13:17 367
Chiều 25/9, Viện nghiên cứu khoa học hành chính – Học viện hành chính Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực cần thu hút và định hướng giải pháp chính sách thu hút nhân tài cho các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Đắk Lắk. Tham dự Hội thảo có các giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk, phân viện Học viện hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các Sở, ngành trong tỉnh.
Các đại biểu dự Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận phân tích tập trung vào nội dung như: Nhân tài và chính sách thu hút nhân tài; kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về thu hút nhân tài; thực tiễn chính sách thu hút nhân tài ở tỉnh Đắk Lắk và những vấn đề đặt ra trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Văn Thủ - Học viện Hành chính Quốc gia đề xuất giải pháp tại Hội thảo
Theo số liệu đưa ra tại Hội thảo, tính đến đầu năm 2018, đội ngũ trí thức có trình độ cao tỉnh Đắk Lắk có khoảng 14.537 người, trong đó tập trung chủ yếu là lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là 10.708 người, chiếm tỷ lệ 73,66%, lĩnh vực khoa học tự nhiên 3.829 người, chiếm tỷ lệ 26,34%, trong đó Tiến sĩ là 124 người, Thạc sĩ 1.607 người, chức danh Giáo sư 03 người, Phó Giáo sư 34 người. Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt là những cán bộ có trình độ cao phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh đã tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, hoạch định chính sách của cấp ủy Đảng và chính quyền.
Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thượng Hải tham gia ý kiến tại Hội thảo
Tuy nhiên, thực tế đặt ra hiện nay đối với nguồn nhân lực có chất lượng cao ở Đắk Lắk là tăng về số lượng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của tỉnh, nhất là đối với những lĩnh vực tỉnh có tiềm năng và lợi thế. Bên cạnh đó, mức thu nhập khi làm việc khu vực công còn thấp chưa thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn bó lâu dài. Việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chưa mang tính chiến lược, mới chỉ theo từng giai đoạn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngữ trí thức còn chưa tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng yếu, chất lượng nhiều mặt hạn chế.
Tiến sỹ Lê Văn Từ- Học viện Hành chính Quốc gia, chủ nhiệm đề tài phát biểu tại Hội thảo
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, định hướng, giải pháp chính sách thu hút nhân tài cho các cơ quan quản lý nhà nước Đắk Lắk cần có lộ trình cụ thể và phải có quyết sách đúng đắn. Đơn vị chủ nhiệm đề tài cần phối hợp với Sở, ngành phân tích thị trường lao động mang tính dự báo; xây dựng biểu mẫu cụ thể nhân lực cho từng cơ quan ban, ngành mang tính đặc thù riêng. Song song đó, tỉnh phải dành nguồn lực cụ thể cho thu hút nhân tài, điều kiện để nhân tài phát huy thực tài, thu hút đi đôi với giữ nhân tài, bồi dưỡng để cống hiến cho tỉnh…
Thạc sĩ Đào Hưng- Sở Nội vụ đề xuất chọn lọc từ chính sách thu hút nhân tài của Hàn Quốc để áp dụng và cải thiện hơn nữa hình ảnh cơ quan hành chính công
Với tính cấp thiết, thực tiễn của đề tài, Đắk Lắk cần ban hành chính sách thu hút nhân tài ngay tại cơ quan hành chính để công chức, viên chức, cán bộ thực tài có môi trường cống hiến hết mình; làm tốt công tác tuyển dụng đầu vào; bố trí khung việc làm và mức lương phù hợp với đội ngũ nhân tài thu hút…Do đó, kết quả nghiên cứu đề tài cũng phải chỉ ra những bất cập hiện nay để cơ quan hành chính công phải thay đổi hình ảnh, cải cách mạnh mẽ, vận dụng hiệu quả chính sách thu hút nhân tài phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0