Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Lấy ý kiến dự thảo Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Cập nhật lúc: 10/09/2013 11:45
486
Sáng ngày 05/9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đóng góp của các Sở, ngành, đơn vị liên quan đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Ông Phạm Minh Tấn - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc họp.
Các đại biểu tham dự cuộc họp.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy chỉnh lý, sửa đổi 26/65 điều của Luật hiện hành, bổ sung 5 điều vào dự thảo. Đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, ý kiến góp ý của các đại biểu tập trung vào các vấn đề như: Luật cần nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu, công tác bồi thường thiệt hại, nên bổ sung thêm 01 chương quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ trong phòng cháy chữa cháy ( PCCC) ; có quy định rõ về tuyên truyền PCCC trong trường học và trong nhân dân; quy định chính sách xã hội hóa công tác PCCC; đưa vật tư nông nghiệp vào quy định là chất dễ cháy để điều chỉnh và quản lý. Nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung các quy định về PCCC đối với các khu chung cư, khu đô thị, các cơ sở dịch vụ kinh doanh xăng dầu, chợ cũ và một số công trình văn hóa... được xây dựng và đưa vào sử dụng, khai thác từ trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực; quy định cụ thể cơ cấu, tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát PCCC các cấp; xác định rõ tính chất vũ trang của lực lượng PCCC; vấn đề xã hội hóa công tác PCCC... Dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật có 05 chương, 77 điều, góp ý cho dự thảo luật này, các đại biểu đề nghị nên quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua bán nhập khẩu phải có trách nhiệm thu hồi bao bì, nhãn mác và các loại sản phẩm đã hết hạn sử dụng đem tiêu hủy, bảo vệ môi trường. Cần quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp tỉnh, huyện, xã để tránh sự trùng lắp, chồng chéo nhiệm vụ. Một số đại biểu cũng cho rằng nên xác định rõ trách nhiệm của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và phân cấp mạnh hơn cho các cấp chính quyền phù hợp với điều kiện quản lý và chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành. Có ý kiến cho rằng, thuốc bảo vệ thực vật là vật tư nông nghiệp nhưng cũng là hóa chất độc hại nên phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ và chỉ sử dụng thuốc có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Các ý kiến góp ý cho dự thảo 02 Luật nói trên sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, trình lên kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII trong thời gian đến./.