Đề xuất giải pháp trọng tâm để hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia
Cập nhật lúc: 16/06/2023 14:49 1125
Cập nhật lúc: 16/06/2023 14:49 1125
Chiều 13/6, Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Phạm Phú Bình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn Đắk Lắk".
Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Về phía tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì buổi làm việc; tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) của tỉnh.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, tổng vốn ngân sách nhà nước dự kiến bố trí thực hiện 03 Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 là 7.338.762 triệu đồng. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 1.846.152 triệu đồng. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững dự kiến hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 là 1.470.426 triệu đồng. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dự kiến hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 là 4.022.184 triệu đồng.
Đồng chí Phạm Phú Bình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu tại buổi làm việc.
Sau 02 năm triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (2021- 2022), tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, mục tiêu, kế hoạch đề ra trong các chương trình MTQG, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có bước khởi sắc; đời sống của nhân dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt được kế hoạch đề ra; Tổng vốn ngân sách nhà nước dự kiến giao thực hiện các chương trình MTQG trong 03 năm (2021-2023) là 3.431.875 triệu đồng.
Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 79 xã đạt 19 tiêu chí; 17 xã đạt 15 – 18 tiêu chí; 49 xã đạt 10 – 14 tiêu chí; 7 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí. Về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo còn gần 11% (54.689 hộ), giảm gần 1,9% (8.953 hộ) so với cuối năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn hơn 39% (15.488 hộ), giảm gần 5,7% (vượt chỉ tiêu đề ra là giảm 4 – 5%).
Về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với 10 dự án được triển khai thực hiện ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã giúp tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn hơn 23% (35.982 hộ), giảm gần 3,7% (5.533 hộ) so với cuối năm 2021…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu
Tổng vốn ngân sách nhà nước giao thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn Đắk Lắk từ năm 2021 – 2023 là trên 3,4 nghìn tỷ đồng, trong đó: Chương trình xây dựng NTM trên 1 nghìn tỷ đồng; Chương trình giảm nghèo bền vững gần 700 tỷ đồng; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 1,6 nghìn tỷ đồng.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, tỉnh cũng thực hiện lồng ghép đầu tư từ các chương trình, dự án khác; triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng và huy động đóng góp của người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình MTQG trên địa bàn. Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành xong việc thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo và các xã đã thành lập Ban quản lý cấp xã theo quy định.
Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Lắk đề xuất với Tổ công tác kiến nghị Chính phủ sớm rà soát, có giải pháp xử lý liên quan đến vướng mắc trong áp dụng các thông tư, văn bản hướng dẫn để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn; Bộ Tài chính sớm có thông báo nguồn vốn hỗ trợ từng chương trình mục tiêu quốc gia để địa phương chủ động xác định phần kinh phí đối ứng…
Đồng chí Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo
Qua khảo sát thực tế, Tổ công tác đánh giá, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng báo cáo tổng thể thực hiện các chương trình MTQG khá công phu, có đầy đủ các số liệu cung cấp trong phụ lục báo cáo. Báo cáo đã thực hiện đúng trình tự yêu cầu đề cương của đoàn giám sát về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Báo cáo cung cấp đầy đủ thông tin, phản ánh được tình hình thực hiện và cung cấp thông tin có độ tin cậy cao về bức tranh toàn cảnh thực hiện các hợp phần hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong báo cáo của tỉnh Đắk Lắk cần bổ sung thêm những khó khăn trong triển khai các chương trình MTQG; có đánh giá về khả năng hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu giai đoạn 2021-2025 của các Chương trình; về lồng ghép thực hiện chương trình với nguồn vốn ODA; Về công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát thực hiện; mức độ tham gia của cấp cơ sở, của đối tượng hưởng lợi trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện các CTMTQG. Nhiều kiến nghị trong báo cáo còn chưa rõ về nội dung; chưa thể hiện được việc giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số và khả năng đạt được các mục tiêu của các CTMTQG; tỉnh cần bổ sung con số thống kê giữa tình hình thực tế, kết quả thực hiện và dự kiến đạt được mục tiêu đề ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như hướng dẫn của Đoàn giám sát.
Thay mặt Tổ công tác, đồng chí Phạm Phú Bình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện các chương trình MTQG. Đồng thời, Tổ công tác đã ghi nhận những kiến nghị, khó khăn của địa phương để tổng hợp, kiến nghị Trung ương điều chỉnh kịp thời. Tổ công tác cũng đề nghị Đắk Lắk cần phân tích, làm rõ thêm những nguyên nhân khó khăn, đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG trong thời gian tới.
Nguồn: daklak.gov.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0