Đẩy mạnh tiến trình đổi mới, hội nhập, cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh
Cập nhật lúc: 26/05/2020 08:22 325
Cập nhật lúc: 26/05/2020 08:22 325
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng ngày 20/5/2020, thực hiện ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo.Ảnh: Chinhphu.vn |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hiệp định chỉ có hiệu lực khi Việt Nam, EU và tất cả các nước thành viên EU hoàn tất thủ tục phê chuẩn theo pháp luật của nước mình. Ngày 12/02/2020, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định. Để Hiệp định có hiệu lực thì cần tiếp tục được nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn. Đến nay đã có 02/28 nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định, gồm Hung-ga-ri (phê chuẩn ngày 23/12/2019) và Cộng hòa Séc (phê chuẩn ngày 13/02/2020).
Chính phủ đề xuất Quốc hội phê chuẩn Hiệp định tại Kỳ họp thứ 9 mà không nhất thiết phải chờ toàn bộ các thành viên EU hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định bởi những lý do. Một là, về cơ sở pháp lý, việc phê chuẩn Hiệp định là nghĩa vụ của Việt Nam và EU phù hợp với quy định của Hiệp định. Theo đó, mỗi Bên có toàn quyền quyết định việc thực hiện trình tự, thủ tục và thời điểm phê chuẩn Hiệp định theo pháp luật của mình mà không phụ thuộc vào việc thực hiện các thủ tục tương ứng của Bên kia.
Việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định trong khi các thành viên EU chưa hoàn tất thủ tục này cũng không làm phát sinh trách nhiệm pháp lý của Việt Nam bởi vì các quyền, nghĩa vụ của mỗi Bên theo quy định của Hiệp định chỉ được thực hiện sau khi tất cả các Bên thông báo cho nhau về việc hoàn tất thủ tục phê chuẩn nội bộ của mình để Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Hai là, về chính trị, đối ngoại, hiện nay, Nghị viện châu Âu (với tư cách là một khối thống nhất) đã phê chuẩn đồng thời cả Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA. Do vậy, việc Quốc hội Việt Nam thực hiện thẩm quyền phê chuẩn tương tự là cần thiết, thể hiện sự đối đẳng trong quan hệ Việt Nam - EU. Điều đó cũng góp phần khẳng định Việt Nam là đối tác có thiện chí và trách nhiệm cao trong việc thực hiện các nghĩa vụ của mình theo đúng cam kết, đồng thời thúc đẩy các nước thành viên EU hoàn tất thủ tục phê chuẩn của nước mình.
Ba là, đối với môi trường đầu tư, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp EU không chỉ kỳ vọng vào những cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo Hiệp định EVFTA mà còn mong đợi Hiệp định EVIPA sẽ tạo dựng một khung pháp lý đầy đủ và có hiệu quả hơn nữa cho việc bảo hộ hoạt động đầu tư của họ tại Việt Nam.
Do vậy, việc Quốc hội phê chuẩn đồng thời Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA sẽ góp phần củng cố niềm tin của các doanh nghiệp vào quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục đẩy mạnh tiến trình đổi mới, hội nhập, cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh.
Về tác động của Hiệp định đối với Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về chính trị, an ninh quốc gia, Hiệp định đã quy định một số nguyên tắc nhằm bảo đảm để Việt Nam phát triển quan hệ với EU trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc phù hợp với những mục tiêu đã được các Bên thỏa thuận theo Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam - EU.
Về đối ngoại, việc thực thi Hiệp định này sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU, đồng thời củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai Bên.
Về chính sách kinh tế vĩ mô, Hiệp định EVFTA và Hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua tác động tới đầu tư, thương mại, cải thiện năng suất và cải thiện môi trường thể chế.
Trong khi dịch Covid-19 đang có tác động làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu thì hai Hiệp định này có tác động tích cực đến Việt Nam khi đây là thời điểm quan trọng để chúng ta thiết lập các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới với EU, giúp cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tốt, bù đắp những thiệt hại do việc đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của Việt Nam với các nước khác.
Hơn nữa, trong bối cảnh nhiều quốc gia và nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển hướng đầu tư để giảm sự lệ thuộc vào một số quốc gia nhất định thì Hiệp định này sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư đang chuyển hướng, đồng thời hạn chế việc suy giảm nguồn vốn FDI theo xu hướng chung của thế giới.
Đối với hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh và thu hút FDI, việc thực hiện cam kết theo Hiệp định này sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo Hiệp định EVFTA, việc thực thi Hiệp định này sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối, công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, đầu tư từ EU trong các lĩnh vực này có thể hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế trong nước. Thông qua liên kết sản xuất với doanh nghiệp có vốn đầu tư của EU, doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của EU và toàn cầu, được chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý.
Đối với cơ chế giải quyết tranh chấp và thi hành pháp luật, các quy định của Hiệp định được xây dựng chi tiết, có tiêu chí rõ ràng, ghi nhận quyền ban hành và thực hiện chính sách của mỗi Bên. Điều đó sẽ góp phần bảo đảm để các quy định của Hiệp định được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, giúp hạn chế tối đa khả năng tranh chấp xảy ra.
Mặt khác, việc thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp thường trực theo Hiệp định để giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư của một Bên được đánh giá là bước tiến mới so với cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp theo từng vụ việc mà Việt Nam đã áp dụng theo 66 Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký kết trong gần 30 năm qua.
Với những điểm tiến bộ nêu trên, Hiệp định tạo cơ sở pháp lý bảo đảm để Việt Nam thực thi các cam kết và pháp luật của mình một cách công bằng, minh bạch, nhất quán và có hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, việc thực thi Hiệp định này cũng đặt ra một số thách thức đối với Việt Nam. Thực tế cho thấy, thể chế, chính sách, cơ chế quản lý của Việt Nam còn một số mặt hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nói chung và nhu cầu các nhà đầu tư EU nói riêng.
Việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định cũng đặt ra những thách thức lớn hơn trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, phòng ngừa và giải quyết có hiệu quả tranh chấp, vướng mắc với nhà đầu tư.
Những thách thức đó đòi hỏi Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải thực hiện những giải pháp đồng bộ, toàn diện để có thể phát huy tối đa những lợi ích từ Hiệp định này và Hiệp định EVFTA.
Về cơ chế bảo đảm thực thi Hiệp định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ở cấp Trung ương để kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản cần thiết cho việc triển khai thi hành Hiệp định.
Kết quả rà soát cho thấy, trừ cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam, toàn bộ nội dung của Hiệp định đã đủ rõ và chi tiết, phù hợp với pháp luật Việt Nam. Do vậy, việc thực hiện các cam kết của Việt Nam theo Hiệp định không đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành của pháp luật.
Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định, trong đó cho phép áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Hiệp định, trừ cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư. Đồng thời, ban hành một Nghị quyết riêng về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định.
Căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 44, Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định. Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn EVIPA. Ảnh: Quochoi.vn |
Trước đó, Quốc hội nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA. Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định có 04 chương, 92 điều và 13 phụ lục./.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0