Đánh giá về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đắk Lắk giai đoạn 2010 - 2018
Cập nhật lúc: 12/03/2020 15:27
456
Ngày 09/01/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Báo cáo số 09/BC-UBND về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đắk Lắk giai đoạn 2010 – 2018. Theo đó, kết quả PCI của Đắk Lắk giai đoạn 2010-2018 cho thấy, mặc dù có nhiều biến động theo từng giai đoạn khác nhau, tăng giảm không ổn định, những năm gần đây có tăng về mặt điểm số, nhưng xét về mặt tổng thể thì năng lực cạnh tranh của tỉnh đang có dấu hiệu đi xuống, chưa có nhiều đột phá, chưa đáp ứng nhu cầu và mong đợi của doanh nghiệp, dẫn đến thứ hạng PCI của tỉnh giảm sâu so với các năm trước. Qua phân tích bức tranh tổng thể về PCI của tỉnh Đắk Lắk trong gần 10 năm qua, có thể khái quát bằng những nét chính sau:
- Một số điểm sáng tích cực là: Chi phí không chính thức có xu hướng giảm theo thời gian, niềm tin của doanh nghiệp vào bộ máy điều hành của tỉnh dần được cải thiện; Môi trường cạnh tranh đang được cải thiện tốt, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là bình đẳng, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ; Thiết chế pháp lý và tình hình an ninh trật tự được giữ vững tiếp tục là lợi thế của tỉnh trong nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Một số tồn tại, hạn chế cơ bản làm giảm năng lực cạnh tranh của tỉnh, gồm: Hệ thống thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; Hoạt động tại bộ phận một cửa chưa thật sự chuyên nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong trong giải quyết thủ tục hành chính còn chưa được đánh giá cao làm gia tăng chi phí không chính thức và chi phí thời gian của doanh nghiệp; Tình hình tiếp cận đất đai tại tỉnh chưa được thuận lợi; Tính năng động, sáng tạo của bộ máy chính quyền trong giải quyết công việc chưa đáp ứng mong đợi của doanh nghiệp; Sự minh bạch của môi trường kinh doanh theo đánh giá của doanh nghiệp đang có xu hướng đi xuống, thông tin mà doanh nghiệp cần chưa được minh bạch hóa đầy đủ; Số lượng và chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa đáp ứng mong đợi doanh nghiệp; Chưa có nhiều đột phá về các chính sách liên quan đến lao động.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã đề ra 05 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới. Cụ thể:
- Thứ nhất là nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cắt giảm chi phí thời gian, chi phí gia nhập thị trường, chi phí tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp.
- Thứ hai là nhóm giải pháp về nâng cao đạo đức công vụ, ý thức, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức, cải thiện cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng phục vụ hành chính công của tỉnh.
- Thứ ba là nhóm giải pháp về tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thứ tư là nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Thứ năm là nhóm giải pháp về vai trò tiên phong, năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp trong cải thiện chỉ số PCI của tỉnh.
Phòng DN,KTTT&TN