Đắk Lắk: Thu hút đầu tư chọn lọc
Cập nhật lúc: 14/01/2020 13:36 1968
Cập nhật lúc: 14/01/2020 13:36 1968
Nằm ở trung tâm Tây Nguyên - vùng đất giàu tiềm năng, kết hợp với môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, Đắk Lắk đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk cho biết trong những năm qua, Đắk Lắk luôn chú trọng đến công tác thu hút và kêu gọi đầu tư.
Ông có thể cho biết kết quả thu hút đầu tư của tinh Đắk Lắk trong thời gian qua?
Thu hút đầu tư là vấn đề được lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Với quan điểm chính quyền tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh luôn tạo những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Từ năm 2014 đến nay, Đắk Lắk thu hút được 294 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 25.138 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư đã đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trong năm 2018, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP-theo giá so sánh 2010) đạt 51.496 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế 7,82%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm 2016-2018 tăng 7,8%/năm; trong đó: nông, lâm, thủy sản tăng 6,2%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,1%; dịch vụ tăng 9,8%; đặc biệt sản xuất nông nghiệp đang tập trung theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường, bước đầu đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thu hút đầu tư của Đắk Lắk trong thời gian tới?
Hiện nay, một số lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm là năng lượng tái tạo (phát triển điện gió, điện mặt trời), phát triển đô thị, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Sau khi đăng ký đầu tư, cơ bản nhà đầu tư đã tích cực triển khai các dự án để sớm hoàn thành đi vào hoạt động, đúng với tiến độ cam kết. Hứa hẹn, trong thời gian tới sẽ có một số dự án lớn thuộc các lĩnh vực này được triển khai, cụ thể như các dự án điện mặt trời tại huyện Ea Súp và Buôn Đôn, điện gió tại các huyện Ea H’leo, Krông Buk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ, quần thể sân golf và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực hồ Ea Kao, Khu đô thị dân cư Km7 phường Tân An, Nhà máy may giày công nghiệp…
Cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt, tỉnh Đắk Lắk có những giải pháp gì để tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư?
Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách của tỉnh còn hạn chế, Đắk Lắk cần huy động vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tạo bước đột phá về tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thông qua việc thực hiện đầy đủ, nhất quán, đúng quy định các chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động; Công bố danh mục dự án mời gọi đầu tư nhằm tạo điều kiện kịp thời cho các doanh nghiệp quan tâm và có nhu cầu đầu tư tại tỉnh Đắk Lắk; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án; duy trì gặp gỡ, đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm trợ giúp và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh...
Việc thu hút đầu tư bền vững đang được Đắk Lắk quan tâm thế nào? Những lĩnh vực nào sẽ được khuyến khích, thưa ông?
Chọn lọc các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường là hướng đi mà tỉnh đang hướng tới. Tỉnh Đắk Lắk không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà lựa chọn những dự án phù hợp với điều kiện của địa phương. Với quan điểm đó, trong thời gian tới, Tỉnh Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào những lĩnh vực sau:
- Lĩnh vực nông nghiệp: Hướng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ nông lâm sản. Khuyến khích các dự án chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm.
- Lĩnh vực công nghiệp: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản, năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn.
- Lĩnh vực du lịch: Tập trung thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao, hệ thống khách sạn tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao.
- Lĩnh vực thương mại dịch vụ: Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
- Lĩnh vực giáo dục - đào tạ Hướng đến xây dựng mới các trường, các cơ sở giáo dục đào tạo với quy mô cấp vùng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, cùng đội ngũ giảng viên có chuyên môn nghiệp vụ cao.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ba cốt lõi giúp tỉnh Đắk Lắk trở thành điểm đến của các nhà đầu tư 1. Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, là một trong những cực phát triển trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia; thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, được định hướng phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; có đường bộ, đường hàng không thuận lợi, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và một số tỉnh, thành khác. Lợi thế này giúp Đắk Lắk có thể mở rộng giao lưu liên kết phát triển kinh tế - xã hội và hợp tác quốc tế trong nước và quốc tế. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, nguồn lao động trẻ dồi dào, năng động và là một thị trường có sức tiêu thụ hàng hoá hàng đầu ở khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế đối ngoại và hợp tác đầu tư. 2. Đầu tư tại tỉnh Đắk Lắk, nhà đầu tư sẽ được hưởng mức ưu đãi đầu tư cao hơn so với nhiều địa phương khác. Ngoài TP.Buôn Ma Thuột là địa bàn ưu đãi đầu tư, toàn bộ các huyện, thị xã thuộc địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư, theo đó được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất của Chính phủ. Ngoài những chính sách ưu đãi của Trung ương, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh, cụ thể khi đầu tư vào lĩnh vực xã hội hoá, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm 70% tiền thuê đất trong thời gian còn lại đối với dự án tại các phường thuộc TP.Buôn Ma Thuột; miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm 85% tiền thuê đất trong thời gian còn lại đối với đất tại các xã thuộc TP.Buôn Ma Thuột; miễn 100% đối với các địa bàn khác. 3. UBND tỉnh cũng nỗ lực không ngừng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng và tích cực triển khai kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế “một cửa” tại các sở, ban ngành; hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án được quyết định chủ trương đầu tư,.... Bên cạnh đó, công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và thực hiện dưới nhiều hình thức như hội nghị đối thoại doanh nghiệp. |
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0