Tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2020
Cập nhật lúc: 13/07/2021 08:22 519
Cập nhật lúc: 13/07/2021 08:22 519
Ngày 07/7/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 4380/BKHĐT-GSTĐĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2020.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư quy định các cơ quan gửi báo cáo tổng thể đầu tư năm 2020 trước ngày 01/3/2021. Thông tư số 13/2016/TT-BKHĐT ngày 29/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý vận hành Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước quy định các cơ quan thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trên Hệ thống thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp số liệu trên Hệ thống thông tin.
Theo Báo cáo, tính đến thời điểm Bộ Kế hoạch và Đầu tư chốt danh sách để tổng hợp số liệu (ngày 31/3/2021), trên Hệ thống thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2020 của 113/125 cơ quan, đạt 90%, gồm: 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đạt 96,82%); 35/42 cơ quan Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tương đương (đạt 83,33%); 16/19 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91 (đạt 84,21%) (năm 2019 có 112/124 cơ quan báo cáo đạt 90%, năm 2018 có 105/123 cơ quan báo cáo, đạt 85,36%, năm 2017 có 109/123 cơ quan báo cáo đạt 88,62%). Tình hình báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trực tuyến của các cơ quan theo từng kỳ báo cáo được công khai tại Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư tại địa chỉ http://giamsatdautuquocgia.mpi.gov.vn.
Về tình hình báo cáo các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, theo quy định tại Thông tư số 13/2016/TT-BKHĐT, các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước sau khi quyết định đầu tư, các chủ đầu tư đăng ký tài khoản và cập nhật thông tin về các dự án đầu tư vào Hệ thống thông tin. Đến ngày 31/3/2021, trên Hệ thống thông tin đã có thông tin cập nhật của 33.433 dự án sử dụng vốn nhà nước trên tổng số 70.679 dự án thực hiện trong kỳ, đạt tỷ lệ 47,3%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện công khai số lượng dự án của từng cơ quan trên Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư tại địa chỉ http://giamsatdautuquocgia.mpi.gov.vn/Pages/tongsodachitiet.aspx.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp Hệ thống thông tin để theo dõi, cập nhật thông tin để theo dõi, cập nhật thông tin của tất cả các dự án sử dụng vốn nhà nước; công khai, chia sẻ thông tin về đầu tư tới tất cả các cơ quan, tổ chức và người dân để cùng phối hợp giám sát, đánh giá theo quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư, nhiều cơ quan đã cố gắng trong việc triển khai và thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư, cập nhật các quy định mới, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc, các chủ đầu tư cập nhật số liệu tổng hợp, tình hình thực hiện các dự án đầu tư vào Hệ thống thông tin. Việc cập nhật số liệu vào Hệ thống thông tin, góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác giám sát, đánh giá đầu tư, giảm bớt khối lượng báo cáo giấy, hướng đến mục tiêu các thông tin của các chương trình, dự án sử dụng vốn nhà nước sẽ được đăng tải trên mạng internet theo quy định để các tổ chức, cá nhân và xã hội tra cứu và cùng giám sát, đánh giá.
Về tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn các chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư, trong năm 2020, các bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền đã tích cực nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn các chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư. Các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn giúp các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, tổ chức kinh tế và người dân thuận lợi hơn trong việc thực hiện các hoạt động đầu tư.
Về tình hình quản lý quy hoạch, trong quá trình thực hiện các hoạt động đầu tư, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, là định hướng, căn cứ để triển khai các chương trình, dự án đầu tư. Các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ đã tích cực xây dựng các quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực làm căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm; là cơ sở kêu gọi và thu hút đầu tư từ các tổ chức kinh tế và người dân. Tuy nhiên, công tác lập quy hoạch cho giai đoạn 2021-2030 của đơn vị còn chậm; một số quy hoạch còn hiệu lực có chất lượng chưa cao.
Về các dự án quan trọng quốc gia, đối với các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, công tác chuẩn bị hồ sơ các dự án của các cơ quan còn chậm, chất lượng không bảo đảm, còn nhiều hạn chế nên trong quá trình thẩm định phải hoàn thiện bổ sung, ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án…
Về tình hình thực hiện các chương trình đầu tư công, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, mặc dù các cơ quan đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ quan, tình hình thực hiện vốn đầu tư trong năm 2020 chưa đạt kế hoạch, nhiều dự án vẫn còn chậm tiến độ, tỷ lệ các dự án phải điều chỉnh vẫn còn cao. Trong thời gian tới, điều kiện nguồn vốn đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, đề nghị các cơ quan xem xét kỹ lưỡng quá trình lựa chọn các chương trình, dự án thực hiện đầu tư, khởi công mới, ưu tiên các dự án phục vụ an sinh xã hội, phù hợp khả năng cân đối của nguồn ngân sách, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Các cơ quan cần tích cực theo dõi, kiểm tra, trên cơ sở đó chấn chỉnh, giải quyết kịp thời các phát sinh trong quá trình đầu tư, bảo đảm các dự án đã có trong kế hoạch được thực hiện đúng trình tự thủ tục đầu tư, tiến độ đầu tư, chất lượng công trình, thời hạn đưa công trình vào khai thác sử dụng…
Về tình hình quản lý các dự án đầu tư theo hình thức PPP, trong thời gian qua, mặc dù bước đầu đã đạt được nhiều kết quả, thu hút thêm các nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân tham gia hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, do các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh còn chưa đảm bảo tính thống nhất, một số quy định còn chưa theo kịp thực tế. Do đó, việc đầu tư theo hình thức PPP vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới…
Về tình hình quản lý đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn khác, trong năm 2020, chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, xây dựng Chính phủ kiến tạo, thu hút được nhiều dự án lớn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Song song với việc cái thiện môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật tới các nhà đầu tư; có kế hoạch giám sát, đánh giá phù hợp, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc; đồng thời cũng kịp thời phát hiện chấn chỉnh các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, chống các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật.
Về công tác giám sát đầu tư của cộng đồng, nhiều địa phương chưa có số liệu tổng hợp báo cáo về công tác giám sát đầu tư của cộng đồng. Việc thực hiện tốt công tác giám sát đầu tư của cộng đồng nhằm phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong việc triển khai các hoạt động đầu tư.
Qua tổng hợp tình hình và kết quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ theo quy định pháp luật về giám sát, đánh giá đầu tư. Cập nhật đầy đủ, chính xác các báo cáo, số liệu trên Hệ thống thông tin. Đối với các đơn vị còn nợ đọng xây dựng cơ bản hoặc có bố trí vốn trả nợ đọng xây dựng cơ bản trong kỳ rà soát, làm rõ số nợ đọng xây dựng cơ bản của đơn vị mình có đúng với quy định tại khoản 2 Điều 106 Luật Đầu tư công năm 2014 hoặc khoản 4 Điều 101 Luật Đầu tư công năm 2019 hay không. Trường hợp nợ đọng phát sinh từ ngày 01/01/2015 trở đi là không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trái quy định. Đồng thời, kiện toàn bộ máy và quy trình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát đầu tư để chủ động phát hiện các dự án phát sinh các vấn đề thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 104 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP đồng thời cập nhật ngay trên Hệ thống thông tin theo quy định tại Thông tư số 13/2016/TT-BKHĐT ngày 29/9/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0