Tình hình giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2020
Cập nhật lúc: 03/11/2020 15:12 2895
Cập nhật lúc: 03/11/2020 15:12 2895
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã làm rõ vấn đề được nhà báo quan tâm liên quan đến tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong 10 tháng và các giải pháp cụ thể trong những tháng còn lại của năm 2020.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại họp báo. Ảnh: Chinhphu.vn |
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, theo báo cáo kết quả tháng 10 và 10 tháng năm 2020, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tăng đáng kể, trên 68% kế hoạch giao, cao hơn 14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019, so với 9 tháng cao hơn khoảng 10 điểm phần trăm. Điều này thể hiện kết quả một loạt giải pháp, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện từ đầu năm. Đây là điểm khích lệ và cũng là điểm sáng trong báo cáo kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2020.
Về giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, các giải pháp được đưa ra từ đầu năm đến nay là hoàn toàn đúng đắn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra và đã giải ngân được 68%. Chúng ta còn 2 tháng để thực hiện giải ngân 32% còn lại và Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng năm 2020 sẽ đạt tỉ lệ giải ngân cao, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách khách quan, đối với khu vực miền Trung, một vùng kinh tế trọng điểm lớn của đất nước, đã chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai vừa qua, nhiều cơ sở hạ tầng, tiến độ thi công các dự án đầu tư công cũng như các công tác về đầu tư công ở khu vực này bị ảnh hưởng nhiều, do vậy sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các địa phương trong Vùng và tác động đến kết quả giải ngân của cả nước.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, với kết quả khả quan trong 10 tháng qua, trong những tháng cuối năm, với quyết tâm lớn của các bộ, ngành, địa phương, tiến độ giải ngân sẽ đạt kết quả khả quan.
Ảnh: Chinhphu.vn |
Tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020 và cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020, Chính phủ đã tập trung thảo luận về hai nội dung lớn. Một là tình hình thiên tai, bão lũ và công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống người dân. Hai là về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020. Chính phủ đã đánh giá, thảo luận kỹ về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra tại các tỉnh miền Trung vừa qua và những giải pháp cấp bách để khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống cho người dân. Đồng thời, đưa ra những biện pháp tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế.
Các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất đánh giá tình hình thiên tai trong tháng 10 vừa qua là lịch sử và công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cũng tập trung, chủ động, quyết liệt ở mức độ chưa từng có. Nhờ sự vào cuộc sớm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt với sự vào cuộc của lực lượng quân đội, công an và lực lượng các bộ, ngành, địa phương, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân vùng thiên tai và Nhân dân cả nước, chúng ta đã hạn chế tối đa, giảm thiểu được thiệt hại. Bão lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề nhưng càng khó khăn chúng ta càng thấy tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào, đồng chí, thấy sự đoàn kết, chung sức chung lòng của cả dân tộc trong khó khăn, cả nước đã hướng về miền Trung ruột thịt.
Cùng với đó, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, các tổ chức, đoàn thể, sự chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước, mặc dù gặp những khó khăn rất lớn (Covid-19, bão lũ…), kinh tế vĩ mô vẫn được giữ vững ổn định, kiểm soát lạm phát; nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm được giữ vững, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được củng cố. Trong khi ổn định xã hội ở nhiều khu vực trên thế giới bị đe dọa, thì Việt Nam được coi là quốc gia ứng phó với đại dịch Covid-19 hiệu quả nhất, sớm có được trạng thái bình thường mới, cuộc sống người dân an toàn hơn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nhận định khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định, trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, dồn “cả tâm cả sức” khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai nặng nề tại các tỉnh miền Trung, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân.
Tại phiên họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định những lĩnh vực ưu tiên cụ thể tập trung triển khai thực hiện trong 2 tháng cuối năm 2020 nhằm đạt cao nhất mục tiêu của cả năm. Cụ thể là các giải pháp về chính sách tiền tệ, tài khóa; hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp, người dân, nhất là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Cùng với đó là các giải pháp khơi thông được các luồng vốn tín dụng, đầu tư tư nhân và có biện pháp kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn; các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng các Hiệp định thương mại EVFTA mới có hiệu lực, tiếp tục khơi thông xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt là giải pháp xuất khẩu nông sản chế biến, mang lại giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh tăng trưởng thương mại điện tử./.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0