Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Cập nhật lúc: 27/07/2022 17:16 245
Cập nhật lúc: 27/07/2022 17:16 245
Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng. |
Phóng viên (PV): Ðến nay Khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã đã thu hút gần sáu triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng một triệu lao động, thay đổi từ mô hình hợp tác xã kém hiệu quả sang mô hình hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Song khu vực kinh tế này vẫn chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Xin đồng chí cho biết, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó là gì?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể chỉ bằng khoảng một phần hai tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp của kinh tế tập thể vào GDP cả nước giảm từ 8,06% năm 2001 xuống còn 3,62% năm 2020. Nhiều hợp tác xã tổ chức và hoạt động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật hợp tác xã; các quan hệ sở hữu, tổ chức quản lý, phân phối trong nhiều hợp tác xã còn biểu hiện xa rời bản chất và các giá trị của kinh tế tập thể. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém nêu trên.
Ðó là, nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình hợp tác xã thời kỳ bao cấp; hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền còn hình thức, chưa thật sự quan tâm, thiếu quyết liệt; công tác hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết hiệu quả chưa cao. Việc tổng kết lý luận và thực tiễn về kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa kịp thời; khung khổ pháp lý còn nhiều vướng mắc, bất cập, chậm được sửa đổi; đánh giá về hiệu quả và đóng góp của kinh tế tập thể trong nền kinh tế chưa đầy đủ dẫn đến hạ thấp vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước thiếu thống nhất, một số nơi buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu; thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về kinh tế tập thể chưa thường xuyên. Ðội ngũ cán bộ hợp tác xã còn yếu, chưa được đào tạo chuyên sâu. Một số hợp tác xã chưa tuân thủ nguyên tắc hoạt động theo quy định của pháp luật; thành viên hợp tác xã vẫn còn tâm lý ỷ lại, dựa dẫm hoặc trông chờ hỗ trợ của nhà nước.
PV: Xin đồng chí cho biết quan điểm của Ðảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quan điểm của Ðảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ Cương lĩnh, Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, kế thừa những nội dung của Nghị quyết 13-NQ/TW và cập nhật tình hình thực tiễn phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn vừa qua cũng như xu thế phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới. Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao, trong đó hợp tác xã là nòng cốt.
Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao, trong đó hợp tác xã là nòng cốt.
Cần tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các liên hiệp hợp tác xã, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn. Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Khuyến khích việc tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ kinh tế tập thể. Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
PV: Mục tiêu phát triển kinh tế tập thể là đến năm 2030, cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác với hai triệu thành viên; 45 nghìn hợp tác xã với tám triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Ðến năm 2045 phấn đấu thu hút tối thiểu 20% số dân tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Ðể thực hiện thành công các mục tiêu nêu trên, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa đồng chí?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ðể tiếp tục phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII đã đề ra năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Ðổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp và Liên minh HTX Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể.
Với các quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trên, việc thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển hơn nữa trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Hơn ai hết, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần của Nghị quyết, cũng như vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế-xã hội.
Hơn ai hết, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần của Nghị quyết, cũng như vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế-xã hội.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển.
Với những tín hiệu mới đang tác động tích cực tới kinh tế tập thể cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ðảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các tổ chức kinh tế tập thể, chúng ta có thể tin tưởng kinh tế tập thể ở nước ta sẽ phát triển vững chắc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguồn: nhandan.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0