Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tạo thêm nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế (Kỳ 1)
Cập nhật lúc: 21/09/2020 16:36 2959
Cập nhật lúc: 21/09/2020 16:36 2959
Việc quan tâm đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược giữ vững ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm từng bước khẳng định vị thế trong khu vực.
Kỳ 1: Doanh nghiệp nhỏ và vừa: “Hơi thở” của nền kinh tế
Những năm qua, hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn đạt những kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Nhiều đóng góp
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng cao so với trước đây với tổng số 4.937 DN (trong đó hầu hết là các DNNVV), bình quân vốn đăng ký đạt 10 tỷ đồng/DN, ước đến cuối năm 2020 có khoảng 10.374 DN đang hoạt động, tăng 1,93 lần về số lượng và 4,08 lần về quy mô vốn/DN so với năm 2015. Các tổ chức, DN hiện chiếm 44% vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động. Năm 2019, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 7.357,7 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2018, trong đó thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh chiếm khoảng 16,3%; giải quyết việc làm cho khoảng 29.300 lao động.
Khâu lựa chọn hạt cà phê trước khi chế biến tại Công ty TNHH Minudo Farm – Care (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). |
Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Huỳnh Văn Tiến cho biết, phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh đều hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đồng thời khai thác ngày càng nhiều tiềm năng và thúc đẩy kinh tế hộ nông dân phát triển nhờ vào sự tham gia sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, các DN, hợp tác xã cũng là cầu nối để đưa sản phẩm hàng hóa của người sản xuất vào thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức khá cao của tỉnh. Số lao động làm việc trong các DNNVV ngày càng nhiều, góp phần thực hiện nhiệm vụ ổn định tình hình xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Khó khăn của doanh nghiệp
Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ, là một trong những DNNVV, cũng là DN mới của tỉnh, giống như nhiều DN khác, khó khăn trước hết của đơn vị vẫn là nguồn vốn đầu tư. Sau nữa là diễn biến xấu của thời tiết, sâu bệnh và cả dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ của Công ty. Bên cạnh đó, DN cũng đang gặp khó trong áp dụng công nghệ vào sản xuất, việc lựa chọn giống đạt tiêu chuẩn, liên kết tạo mã vùng nguyên liệu…
Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương Nguyễn Thị Thu Phương thăm vườn cây mắc ca giốngcủa đơn vị. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Ông Bùi Văn Yên, Giám đốc Sở Tài chính cho hay, nhiều DN có nhu cầu vay vốn nhưng không thể đáp ứng được điều kiện cho vay của các ngân hàng do không có tài sản thế chấp hay phương án sản xuất, kinh doanh thiếu tính khả thi. Hơn nữa, chất lượng tín dụng cho vay DN đang có xu hướng gia tăng, trong đó nợ xấu ngành nông, lâm nghiệp và ngành công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng cao, làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của DN. Trong quá trình sắp xếp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nhà nước bước đầu đã có chuyển biến theo hướng tích cực, tuy nhiên các DN nông nghiệp vẫn còn khó khăn về vốn để tổ chức mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc tái đầu tư.
Đến nay, các DN trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 70.000 lao động. |
Theo phản ánh từ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, do đặc thù phần lớn sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh là sản phẩm nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả thị trường quốc tế, trong khi đó, tình hình thời tiết trong thời gian qua diễn biến vô cùng phức tạp, giá cả một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, DN còn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020. Những tác động trên đã khiến nhiều DN hoạt động kém hiệu quả, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, thua lỗ kéo dài, thậm chí là ngưng hoạt động và giải thể. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Võ Tá Quốc chia sẻ, ngoài hạn chế về nguồn vốn thì một thách thức không nhỏ cho DN khi tiếp cận các chương trình hỗ trợ đó là thủ tục hành chính. Hầu hết các DN đều cho rằng, để đáp ứng được những tiêu chí hỗ trợ từ các chương trình, dự án… của Nhà nước, DN phải tuân thủ khá nhiều thủ tục rườm rà và trải qua nhiều giai đoạn chờ đợi. Ngoài ra, DN của tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ, phần nhiều lâm vào tình trạng thiếu vốn, thiếu mặt bằng hoạt động; việc tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách của Nhà nước còn nhiều hạn chế; thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao; cơ sở hạ tầng yếu kém; tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa rõ ràng…
Theo đánh giá của Sở KH-ĐT, trong thời gian qua, tuy số lượng DN phát triển nhanh nhưng phần lớn là các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sơ chế nông sản, trong khi lĩnh vực đóng vai trò quan trọng là nông nghiệp và công nghiệp chế biến lại có số lượng DN khá nhỏ, chiếm khoảng 15% tổng số DN trên địa bàn. Mặt khác, công tác hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế; các chính sách hỗ trợ DN chưa được thực hiện đồng bộ; việc tiếp cận nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh của DN như tín dụng, đất đai, thị trường, đầu ra sản phẩm... vẫn còn nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian và chi phí...
Nguồn: Báo Đắk Lắk
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0