Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Cập nhật lúc: 06/01/2022 09:51 1306
Cập nhật lúc: 06/01/2022 09:51 1306
Đa số ý kiến các Ủy ban của Quốc hội được phân công thẩm tra tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Đây là một trong những nội dung của Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng ngày 04/01/2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo. Ảnh: Chinhphu.vn |
Những chính sách quy định tại dự thảo Luật có tác động lớn đến các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Đối với Luật Đầu tư công, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí việc sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm các chủ thể được phân quyền trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc, vì quy định như hiện nay nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ việc vay vốn nước ngoài, bảo đảm an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia; đồng thời, liên quan đến điều ước quốc tế giữa Nhà nước, Chính phủ Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, cần kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm uy tín của Việt Nam... Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động cụ thể.
Đối với dự án nhóm A của địa phương sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đa số ý kiến đề nghị chuyển thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tương tự như các dự án nhóm B, C. Có ý kiến nhất trí với đề nghị của Chính phủ.
Về thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định rõ việc phân cấp thẩm quyền điều chỉnh chỉ áp dụng trong trường hợp không làm thay đổi phân loại dự án; trường hợp làm thay đổi phân loại dự án, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi điều chỉnh.
Đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế nhất trí nội dung sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 2 Điều 12 Luật PPP. Đề nghị bổ sung, làm rõ việc thực hiện quy định tại Điều 62 Luật Đất đai về thẩm quyền thu hồi đất đối với dự án PPP có tổng mức đầu tư tương đương nhóm B, C sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nay được phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bảo đảm tính khả thi, tránh trường hợp phát sinh vướng mắc, có cách hiểu khác nhau sau khi thực hiện phân cấp, phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với Luật Đầu tư, về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Đồng thời nhấn mạnh đến các nội dung liên quan đến dự án đầu tư thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ việc áp dụng quy định của dự thảo Luật đối với trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đối với các loại đất khác không phải là đất ở nhưng đã gần hết thời hạn sử dụng đất. Đối với việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất thuộc dự án đầu tư mà không phải là đất ở, để bảo đảm sự kết nối với quy định của Luật Đầu tư, quy định khác của Luật Nhà ở và pháp luật về đất đai, bảo đảm sự minh bạch về thủ tục đầu tư, đề nghị làm rõ các điều kiện mà nhà đầu tư phải đáp ứng để được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai trong quá trình nhà đầu tư thực hiện thủ tục để được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư; giá trị của văn bản thẩm định về đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư khi nhà đầu tư thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Về kỹ thuật lập pháp, đề nghị thể hiện trong một điều riêng của dự thảo Luật nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở mà không ghép trong Điều 3 về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư. Về bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm, điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng tại Luật An ninh mạng trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc đề xuất bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; đồng thời, chỉ đạo rà soát Danh mục theo quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.
Đối với Luật Đấu thầu, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành quy định tại dự thảo Luật. Để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị bổ sung quy định tại Điều 34a về việc thực hiện trước các hoạt động phải tuân thủ các quy định khác có liên quan của Luật Đấu thầu. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định, quy định đầy đủ, chặt chẽ, khả thi những vấn đề mang tính nguyên tắc; báo cáo tiến độ ban hành Nghị định, đáp ứng tính cấp thiết, cấp bách của chính sách. Có ý kiến đề nghị bổ sung báo cáo ý kiến của đối tượng chịu sự tác động là các nhà thầu thực hiện hoạt động mua sắm cho dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Đối với Luật Doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định tại các điều 49, 50, điểm d khoản 1 Điều 109, khoản 1 và khoản 2 Điều 148 như dự thảo Luật. Đồng thời nhấn mạnh đến các vấn đề về việc ký biên bản họp Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị, đề nghị tiếp tục xem xét, chỉnh lý về mặt kỹ thuật để bảo đảm chặt chẽ; Về đối tượng xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh (khoản 5 Điều 217), về quy định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước; mở rộng đối tượng xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn có 100% vốn điều lệ được nắm giữ bởi doanh nghiệp quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp, Ủy ban kinh tế nhận thấy, tác động của các luật có quy định sửa đổi, bổ sung thuộc dự án Luật có phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh độc lập và điều kiện bảo đảm thi hành khác nhau. Vì vậy, cần quy định về áp dụng pháp luật, hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của từng quy định sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi trong thực hiện./.
Nguồn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0