Phát huy lợi thế vùng miền trong khởi nghiệp
Cập nhật lúc: 06/08/2024 15:45 115
Cập nhật lúc: 06/08/2024 15:45 115
Từ thiết bị đến sản phẩm tiêu dùng
Sầu riêng là cây công nghiệp chủ lực của các tỉnh Tây Nguyên có giá trị lớn nhưng việc thu hoạch lại khó khăn do đặc thù của cây thân gỗ (cao); thu hoạch thủ công bằng phương pháp gõ vào quả (cần nhiều kinh nghiệm; leo trèo nhiều, cơ thể mệt mỏi làm giảm khả năng nghe chính xác của tai) nên khó kiểm soát độ chín, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng…
Từ thực tế đó, tháng 6/2023, nhóm sinh viên ngành Sư phạm vật lí, Khoa Khoa học tự nhiên và công nghệ, Trường Đại học Tây Nguyên (Nguyễn Thị Huyền Trinh, Nguyễn Võ Ngọc Hiệp, Trần Thị Hồng Nhung, Đinh Trung Đức, Hoàng Ngọc Trung Nguyên) đã triển khai dự án “Thiết bị gõ sầu riêng”.
Nhóm thực hiện dự án “Thiết bị hỗ trợ gõ sầu riêng” trao đổi về hướng phát triển sản phẩm trong tương lai . |
Nhìn nhận lại hành trình đã qua, em Đinh Trung Đức, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên bộc bạch: các bạn cùng “dãi nắng dầm mưa” đi thực tế từ vườn sầu riêng này tới vườn sầu riêng khác để thu thập âm thanh và gõ thử thiết bị; cân đối thời gian thực hiện dự án và việc học chính khóa tại trường; phương tiện nghiên cứu; đặc biệt là yêu cầu lập trình bậc cao của thiết bị…
Sự thất bại thể hiện rõ qua kết quả thực hành gõ khi có sự lẫn lộn giữa quả xanh và quả đủ tuổi để thu hoạch. Sau mỗi lần thất bại là một lần “nản” nhưng nhờ sự hỗ trợ, đồng hành của nhà trường mà các thành viên dần lấy lại tinh thần để cải tiến thiết bị bằng cách thu thập tiếng động (gõ) nhiều hơn; thay thế chip trong thiết bị phù hợp…
Về kỹ thuật, em Hoàng Ngọc Trung Nguyên, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, kiến thức của tín chỉ “Dao động và sóng” trong chương trình học được vận dụng tối đa khi chế tạo “Thiết bị gõ sầu riêng”. Bởi, thiết bị hoạt động dựa trên nguyên tắc so sánh âm thanh nhằm phát hiện sầu riêng có độ tuổi từ 7,5 trở lên để thu hoạch với tỷ lệ chính xác khoảng 90% (lấy âm thanh gõ trực tiếp lên quả sầu riêng để phân tích, so sánh với âm thanh gốc có sẵn): đèn vàng - đủ độ tuổi để thu hoạch; đèn đỏ - đã chín; đèn không sáng - quả còn xanh.
Tương tự, dự án “Sản xuất muối đồng bào vùng Tây Nguyên muối AMRÊČ” của nhóm học sinh Trường THCS và THPT Đông Du (Lương Nguyễn Thanh Thảo, Phạm Anh Thư, Nguyễn Bảo Trân, Mai Phương Anh, Nguyễn Hà My) cũng phát huy lợi thế vùng miền trong quá trình thực hiện. Theo đó, dự án được triển khai từ tháng 4/2022. Từ tháng 6/2023 đến nay, nhóm đã bán được trên 1.500 sản phẩm và đem lại nguồn thu khả quan trong phương án sản xuất theo chuỗi được đề ra trước đó (nghiên cứu, sản xuất, thương mại đến chia sẻ lợi ích cho cộng đồng).
Em Phạm Anh Thư, học sinh Trường THCS và THPT Đông Du cho biết, muối AMRÊČ được phát triển dựa trên sản phẩm muối giã tay đặc trưng của người dân Tây Nguyên thông qua việc cải tiến công thức, nguyên liệu chế biến… Toàn bộ nguyên liệu đều được kiểm soát từ đầu nên chất lượng thành phẩm bảo đảm; bổ sung thêm bột dế tăng hàm lượng dinh dưỡng… Ngoài sản phẩm muối công thức nguyên bản thì nhóm còn sản xuất thêm sản phẩm cay ít, cay nhiều…
Khởi nghiệp gắn với thực tế
Trực tiếp hướng dẫn dự án “Sản xuất muối đồng bào vùng Tây Nguyên muối AMRÊČ”, thầy Phan Vũ Nguyên, giáo viên Trường THCS và THPT Đông Du cho biết, cái hay của dự án là ý tưởng được hình thành từ chuyến trải nghiệm tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực, con người Tây Nguyên do nhà trường tổ chức.
Khi học sinh trình bày ý tưởng, nhà trường đã hỗ trợ các em trong việc sắp xếp giờ giấc học tập; bổ trợ kiến thức theo nhu cầu học sinh; cùng với phụ huynh kết nối, tìm kiếm đơn vị hỗ trợ sấy thăng hoa muối bảo đảm hương vị, vệ sinh và bảo quản lâu dài; kết nối với các nhà hàng, cửa hàng lưu niệm… để học sinh tự bán sản phẩm mình làm ra, lắng nghe lời phản hồi của người tiêu dùng để tiếp tục cải tiến sản phẩm.
Nhóm học sinh Trường THCS và THPT Đông Du cải tiến chất lượng sản phẩm của dự án “Sản xuất muối đồng bào vùng Tây Nguyên muối AMRÊČ”. |
Còn đối với sinh viên, khởi nghiệp trong trường đại học là một lợi thế lớn khi các em vừa có tầm nhìn, sức trẻ, nhiệt huyết, lại có sự dẫn dắt, định hướng của nhà trường. Tiến sĩ Lê Minh Tân, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên đánh giá, khởi nghiệp ở bậc đại học là thời điểm khá chín muồi khi các em có kiến thức, kỹ năng, ý chí quyết tâm thực hiện dự án. Các em đủ khả năng để tiếp cận, tìm hiểu kiến thức mới nằm ngoài chương trình học: “Thiết bị gõ sầu riêng” có ứng dụng công nghệ AI trong việc phân tích phổ âm thanh; sử dụng lập trình bậc cao; sản phẩm chưa có trên thị trường… Hiện tại, nhóm thực hiện dự án đang hoàn thiện hồ sơ Giải pháp hữu ích gửi Cục Sở hữu trí tuệ để được công nhận.
Khát vọng khởi nghiệp được hình thành từ sớm, trong môi trường giáo dục với sự dẫn dắt của nhà trường đã giúp HSSV học và thực hành các kỹ năng cần thiết; hạn chế tối đa sự sai sót, mất mát có thể trong quá trình khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm sau khi kết thúc chương trình học; các ý tưởng luôn tính đến yếu tố khả thi trong thực tế và thương mại hóa trên thị trường... Điều đó cho thấy hoạt động khởi nghiệp ngày càng chất lượng, chuyên nghiệp, đi đúng đường.
Dự án “Thiết bị hỗ trợ gõ sầu riêng” và “Sản xuất muối đồng bào vùng Tây Nguyên muối AMRÊČ” đều lọt vào Vòng chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - SV-Startup” lần thứ VI; trong đó dự án “Thiết bị hỗ trợ gõ sầu riêng” đoạt giải Nhất tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ VI do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP. Cần Thơ tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ trung tuần tháng 5/2024. |
Nguồn: baodaklak.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0