Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực: "Cú huých" phát triển kinh tế - xã hội
Cập nhật lúc: 06/01/2021 08:16 1657
Cập nhật lúc: 06/01/2021 08:16 1657
Phương thức đối tác công tư (PPP) là một trong những hình thức đầu tư đã được thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là các dự án xây dựng hạ tầng giao thông. Thế nhưng lần đầu tiên, một luật riêng về PPP đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2021.
Hành lang pháp lý rõ ràng
Luật Đầu tư theo phương thức PPP đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và được Quốc hội chính thức thông qua từ ngày 18-6-2020. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 sau mười năm thực hiện quy chế thí điểm đầu tư theo phương thức PPP. Thực tế cho thấy, từ khi Việt Nam thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, cả nước đã có 336 dự án PPP do các bộ, ngành, địa phương ký kết, thực hiện.
Tuy nhiên vẫn không có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tức là chưa tận dụng được nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế của các nhà đầu tư lớn, trong khi đây là điều rất quan trọng đối với một thị trường mới nổi và chưa có nhiều kinh nghiệm về PPP như Việt Nam. Do đó, Luật đã thiết kế các điều khoản hướng đến thu hút cả nguồn lực trong nước và nước ngoài. Luật PPP tập trung vào thu hút dự án thuộc 5 lĩnh vực thiết yếu, liên quan đến phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Công nhân thi công dầm cầu thuộc Dự án đường Giải Phóng (đoạn từ đường Nguyễn Chí Thanh đến bùng binh Km5, TP. Buôn Ma Thuột). |
Luật Đầu tư PPP tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Ðồng thời cũng thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư. |
Một trong những nội dung rất cơ bản trong phương thức đầu tư PPP là cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu của dự án PPP. Luật quy định khi doanh thu thực tế của dự án chỉ đạt 75% trở xuống so với phương án tài chính ban đầu, Nhà nước sẽ xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu với nhà đầu tư. Ngược lại, khi doanh thu thực tế đạt từ 125% trở lên, Nhà nước xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu. Cơ chế chia sẻ này được xem xét trên cơ sở kiểm soát doanh thu hằng năm. Ðối với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), Luật PPP không quy định phương thức đầu tư này và có điều khoản chuyển tiếp quy định dừng nghiên cứu mới các dự án BT kể từ thời điểm Luật PPP được công bố. Các dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15-8-2020.
Sớm triển khai đồng bộ
Thời gian qua, việc đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn tỉnh được lãnh đạo tỉnh quan tâm, thường xuyên chỉ đạo. Đến nay, tỉnh đã ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn, phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án theo hình thức PPP, với tổng mức kinh phí hơn 1.481 tỷ đồng. Để tập trung chỉ đạo, triển khai, xúc tiến đầu tư các dự án PPP, đảm bảo đúng quy định và phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác PPP do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Tổ trưởng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) là Tổ phó và các thành viên là lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Bên cạnh đó, tỉnh còn định kỳ thực hiện rà soát tiến độ tham mưu của các đơn vị để giải quyết, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các dự án PPP, thẩm tra trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Thi công hạng mục cống thoát nước của Dự án đường Giải Phóng (đoạn từ đường Nguyễn Chí Thanh đến bùng binh Km5, TP. Buôn Ma Thuột). |
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Đinh Xuân Hà, hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 1 dự án theo hình thức BT là Dự án đường Giải Phóng (đoạn từ đường Nguyễn Chí Thanh đến bùng binh Km5, TP. Buôn Ma Thuột); 2 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và đang làm thủ tục lựa chọn nhà đầu tư là Dự án đường giao thông đoạn qua Quốc lộ 26 (Km145+800) - Quốc lộ 14 - Tỉnh lộ 8 (TP. Buôn Ma Thuột) và Dự án đường giao thông liên xã Ea Phê - Ea Kuăng - Vụ Bổn (huyện Krông Pắc).
Thời gian qua, việc thực hiện dự án theo hình thức PPP còn nhiều khó khăn do có sự thay đổi về mặt pháp lý, Luật Đầu tư PPP có nhiều nội dung điều chỉnh so với quy định trước đây về thực hiện dự án PPP. Vì vậy, trong thời gian tới, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, Sở KH-ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai có hiệu quả, đúng quy định Luật Đầu tư PPP; chủ trì tham mưu xác định cụ thể danh mục các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Đồng thời sớm tham mưu ban hành quy trình thực hiện theo hình thức PPP làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh và để thu hút đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng thiết yếu, tạo "cú huých" phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Đắk Lắk
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0