Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ 2020-2025
Cập nhật lúc: 03/11/2020 14:41 3802
Cập nhật lúc: 03/11/2020 14:41 3802
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đắk Lắk xác định kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là điều kiện tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta đang thực hiện quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế thì việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện cho xã hội phát triển.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh trích đăng nội dung tham luận của UBND tỉnh báo cáo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Sau hơn 30 năm đổi mới, nhờ sự đặc biệt quan tâm cho đầu tư phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, hệ thống kết cấu hạ tầng tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và tạo ra hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy các địa phương trong tỉnh phát triển. Riêng trong giai đoạn 2016-2020, đã đạt được những thành tựu sau:
Về hạ tầng đô thị: Đã xây dựng quy hoạch chung cho 16 đô thị và 02 trung tâm huyện lỵ; phê duyệt xong quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới cho 152/152 xã. Tổng diện tích xây dựng nhà ở tăng thêm đến năm 2020 khoảng 06 triệu m2 sàn, tương đương với 45 nghìn căn nhà. Hiện, tỉnh đang tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm như: Đường Đông-Tây; Hồ thủy lợi Ea Tam; Hồ Ea Kao; các công trình hạ tầng đô thị, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước mưa, nước thải....
Đắk Lắk sẽ chú trọng phát triển hạ tầng trong nhiệm kỳ mới. Ảnh: Hoàng Giám.
Về hạ tầng giao thông: Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển theo quy hoạch, cơ bản đồng bộ, thông suốt. Cụ thể, về giao thông đối ngoại, tỉnh đã triển khai xây dựng các dự án hạ tầng và giao thông trọng điểm trên địa bàn để tăng cường kết nối vận chuyển giữa các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung như: tuyến Quốc lộ 26, Quốc lộ 14, Đường liên tỉnh Gia Lai-Đắk Lắk,...Hệ thống giao thông đối nội được gắn kết chặt chẽ, liên hoàn với hệ thống giao thông đối ngoại, như tuyến Đường tránh thị trấn Ea Đrăng-huyện Ea H’leo, Đường tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ, Đường vành đai phía Tây thành phố Buôn Ma Thuột,... đã từng bước đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hoá, hành khách của nhân dân từ thành phố Buôn Ma Thuột đến các huyện, thị, các đơn vị cấp xã trong tỉnh và các tỉnh lân cận; góp phần chỉnh trang đô thị, thiết lập trật tự an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Đến năm 2020, cả tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hoá được 96,01% đường tỉnh; 91,57% đường huyện; 64,96% đường xã, liên xã; 100% xã có đường nhựa đến trung tâm, đảm bảo vận chuyển khoảng 14% hành khách bằng phương tiện công cộng. Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột với công suất 01 triệu khách/năm đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Về hạ tầng cung cấp điện: Ngành điện đã cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 1 đã hoàn thành và bàn giao cho ngành điện, góp phần nâng cao tỷ lệ số hộ dùng điện trên địa bàn tỉnh, đến năm 2020 đạt 99,8%. Nhiều dự án mới về năng lượng tái tạo đã được đầu tư và đi vào hoạt động như: Dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên (giai đoạn 1), công suất 28,8MW trên địa bàn huyện Ea H'leo; 05 dự án điện mặt trời tại các huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Krông Pắc, công suất 190MWp, góp phần làm tăng tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, Dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện-Ea Súp có công suất 600MW dự kiến sẽ hòa vào lưới điện quốc gia vào cuối năm 2020.
Công trình điện gió ở huyện Ea H'leo. Ảnh: H. Gia
Về hạ tầng thủy lợi và nước sinh hoạt nông thôn: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 607 hồ chứa, 118 đập dâng và 57 trạm bơm các loại, tăng 45 công trình so với năm 2015; kiên cố hóa trên 1.230km/2.031km kênh mương, tăng 182km so với năm 2015, góp phần quan trọng nâng tỷ lệ đảm bảo tưới cho cây trồng dùng nước từ 76,3% năm 2015 lên 82% năm 2020; xây dựng 168 công trình cấp nước tập trung, tăng 39 công trình so với năm 2015; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 85,5% năm 2015 lên 95% năm 2020. Hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được chú trọng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, huyện và nguồn vốn ODA.
Về hạ tầng khu, cụm công nghiệp: Các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu về mặt bằng cho các nhà đầu dư, doanh nghiệp. Khu công nghiệp Hòa Phú có 56 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký hơn 4.100 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 100% diện tích đất cho thuê; có 155 dự án đăng ký đầu tư vào 8 cụm công nghiệp, tổng số vốn đăng ký đầu tư 6.094 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 67%.
Về hạ tầng thông tin: Đến nay, 100% số xã có hệ thống thông tin thông suốt và đã có internet băng thông rộng; dịch vụ 4G được các doanh nghiệp tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng và phạm vi phục vụ.
Về hạ tầng thương mại: được quan tâm đầu tư; hệ thống chợ, siêu thị phát triển đáng kể (như các siêu thị: Co.op Mart, Nguyễn Kim, Mega Mart, Vincom, Trung tâm thương mại Big C Buôn Ma Thuột) hoạt động khá tốt đã làm cho thị trường hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng phong phú, đa dạng và được mở rộng từ đô thị đến nông thôn.
Về hạ tầng xã hội: Nhiều dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa có quy mô lớn trong lĩnh vực giáo dục, y tế được thực hiện trên địa bàn tỉnh; dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 1.024 cơ sở giáo dục, 15.762 lớp, với 469.960 học sinh; có 10.870 phòng học kiên cố hóa, đạt tỷ lệ 64,73% và 50% trường học đạt chuẩn Quốc gia; 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% số xã có trạm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và nhu cầu khám chữa bệnh của từng địa bàn; 585/608 buôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 61/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên với quy mô 1000 giường đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Các đại biểu cắt băng khai trương đường bay mới.
Về hạ tầng quốc phòng-an ninh: Hệ thống công trình quốc phòng cơ bản được quy hoạch phù hợp với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, đồng thời bảo đảm được tính bí mật đối với các hoạt động quân sự. Tỉnh cũng từng bước nghiên cứu, xây dựng các quy chế, quy định để kết hợp việc xây dựng các công trình dân sinh gắn với yếu tố quốc phòng-an ninh. Nhìn một cách tổng thể thì hiện nay hệ thống công trình quốc phòng đã từng bước đáp ứng nhu cầu về hoạt động quân sự, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của địa phương, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chủ động đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo tinh thần Quyết định số 286/QĐ-TTg, ngày 09/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp sau đây:
Một là, tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông kết nối với các khu du lịch, các khu, cụm công nghiệp; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các vùng có tiềm năng phát triển kinh tế. Ưu tiên đầu tư các công trình, dự án có sức lan tỏa, tạo sự đột phá, như: Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nâng cấp mở rộng các tuyến Quốc lộ 26, Quốc lộ 27, Quốc lộ 29 và Quốc lộ 14C, đường Trường Sơn Đông; Xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột-Nha Trang (Khánh Hòa); xây dựng tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột -Tuy Hòa; các tuyến tỉnh lộ: 1, 2, 3, 8, 9, 12, 13 và 15; các tuyến đường liên kết vùng; các tuyến giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch, các khu, cụm công nghiệp; Đường vành đai phía Tây 2; Dự án thoát nước mưa, nước thải trên địa bàn thành phố giai đoạn 3; Xây dựng các cảng cạn phục vụ vận tải đa phương thức; Phát triển Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế; Xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu Đắk Ruê; Công trình Hồ thủy lợi Ea Kao, Ea Tam và các dự án thuỷ lợi trọng điểm khác.
Hai là, ưu tiên nguồn lực đầu tư để thành phố Buôn Ma Thuột sớm trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị. Xây dựng, nâng cấp thị xã Buôn Hồ trở thành đô thị loại III trong giai đoạn 2021-2025, là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh. Triển khai quy hoạch, xây dựng, nâng cấp thị trấn Ea Kar thành thị xã Ea Kar với chức năng là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Đông của tỉnh; đồng thời, hình thành thêm một số thị trấn, thị tứ nhằm phát triển đô thị gắn với phát triển nông thôn mới.
Ba là, tăng cường huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước; tiếp tục triển khai thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công-tư trên cơ sở bảo đảm hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể.
Bốn là, sử dụng ngân sách nhà nước đảm bảo hiệu quả, tiếp tục rà soát các công trình chậm giải phóng mặt bằng để có biện pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Năm là, hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch và các quy định có liên quan. Kịp thời cập nhật những định hướng mới của Trung ương, xu hướng mới của phát triển kinh tế, trong điều kiện hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế để định hướng phát triển kinh tế hạ tầng của tỉnh phù hợp với giai đoạn mới.
Sáu là, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi công vụ, xử lý nghiêm minh, kịp thời khi phát hiện vi phạm, nhất là trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
Bảy là, tăng cường thế trận phòng thủ trên tuyến biên giới, củng cố kho tàng các cấp và căn cứ hậu cần-kỹ thuật; xây dựng hệ thống căn cứ địa, hệ thống hậu phương chiến lược, hậu phương tại chỗ theo yêu cầu mới... xây dựng, phát triển hệ thống giao thông-vận tải quân sự đồng bộ, hiện đại, phù hợp với đặc thù địa hình của từng địa bàn chiến lược. Hoàn thiện, nâng cao hiệu lực của phương thức giao thông-vận tải thô sơ để hỗ trợ cho hệ thống giao thông-vận tải chiến lược, áp dụng cho những cung, đoạn giao thông không thể sử dụng được những phương tiện giao thông cơ giới, hiện đại.
Nguồn: daklak.gov.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0