Giải ngân vốn đầu tư công: Chưa thể bứt tốc
Cập nhật lúc: 10/08/2023 10:56 1146
Cập nhật lúc: 10/08/2023 10:56 1146
Thành lập 4 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 | |
Giải ngân vốn đầu tư công: Vì sao vẫn ì ạch? |
Trên "nóng"
Thể hiện quyết tâm thúc đẩy tỷ lệ giải ngân VĐTC trên địa bàn, từ đầu năm 2023 đến nay, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo "nóng". Trong đó, đáng chú ý là Chỉ thị số 05/CT-UBND, ngày 2/3/2023 của UBND tỉnh về "tăng cường thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh".
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất những thủ tục đầu tư, kịp thời đăng ký thông tin dự án ngay sau khi được bố trí vốn. Đồng thời chủ động, tích cực phối hợp thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị nhà thầu để thi công công trình theo đúng tiến độ. Hơn nữa, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn phải theo đúng quy định, đảm bảo đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu các gói thầu để thực hiện. Đối với các dự án hoàn thành phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình, dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu các chủ đầu tư chấp hành việc đăng ký và cam kết kế hoạch giải ngân cụ thể từng dự án theo các mốc thời gian và thực hiện đúng theo tiến độ đã cam kết. Trường hợp các dự án, công trình đã được bố trí vốn kế hoạch trong năm nhưng không thực hiện được việc giải ngân theo tiến độ thì phải có văn bản đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án, công trình khác.
Thi công Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 9 (đoạn qua huyện Krông Bông). |
Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư tăng cường công tác quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước…
Mới đây, UBND tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân VĐTC năm 2023 để giám sát, xử lý kịp thời những “điểm nghẽn” trong công tác giải ngân VĐTC trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình và xử lý các vướng mắc phát sinh.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, các chủ đầu tư đã đề nghị tỉnh triển khai nhiều giải pháp, trong đó cho phép chủ đầu tư được tự điều chỉnh thủ tục với những trường hợp không trọng yếu nhằm rút ngắn thời gian, giảm áp lực hành chính. Một số đơn vị đã rà soát điều chuyển các dự án chậm tiến độ, không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm 2023 để đề nghị điều chuyển sang các dự án không vướng giải phóng mặt bằng và thi công vượt tiến độ, có khả năng giải ngân hết vốn được bố trí điều chuyển qua đảm bảo đúng nguồn vốn theo dự án được phê duyệt... |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư giải quyết dứt điểm những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC, đặc biệt là vấn đề chậm giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu xây dựng... Các sở, ngành, địa phương phải chủ động tham mưu, rà soát, bổ sung, điều chỉnh các mỏ vật liệu đất, đá chứ không phải "đợi thiếu mới chạy".
Đặc biệt là chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ thi công, giải ngân, thanh toán khối lượng hoàn thành, chất lượng công trình, việc lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công không đảm bảo năng lực. Kết quả giải ngân của các chủ đầu tư là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của lãnh đạo đơn vị.
Dưới "vướng"
Có thể nói, tỉnh đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề giải ngân VĐTC. Thế nhưng việc khắc phục những tồn tại, yếu kém về giải ngân VĐTC còn rất chậm. Biểu hiện rõ nhất là đến ngày 19/7/2023, toàn tỉnh mới giải ngân trên 1.341/4.859 tỷ đồng (bằng 27,6% kế hoạch).
Tuy tỷ lệ giải ngân trên địa bàn tỉnh có cải thiện, cao hơn 6,1% so với cùng kỳ năm trước (21,5%) nhưng vẫn chưa hề có sự bứt phá. Nếu tình trạng này tiếp diễn, chắc chắn cả năm 2023 sẽ không giải ngân hết lượng vốn được phân bổ. Điều này dẫn đến hệ quả "có tiền không tiêu được", phải chuyển nguồn sang năm sau, mục tiêu kế hoạch không đạt yêu cầu.
Chiếm trên 46% kế hoạch vốn năm 2023 của tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh được giao hơn 2.433 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương là 1.428 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 995 tỷ đồng. Tính đến ngày 7/8/2023, Ban đã giải ngân được hơn 855/2.433 tỷ đồng (bằng 35% kế hoạch).
Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh cho hay, dù được giao số vốn năm 2023 lớn, nhưng riêng Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đã chiếm hơn 1.359 tỷ đồng. Tuy nhiên nguồn vốn này chỉ mới được giao từ tháng 5/2023 nên đơn vị đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, khi có khối lượng công trình đều có thể nghiệm thu, nhưng chủ đầu tư lại gom nhiều khối lượng để nghiệm thu một lần nhằm giảm bớt thủ tục nên tiến độ giải ngân bị ảnh hưởng. Một lý do khác là các dự án ODA có mức vốn đầu tư khá lớn nhưng thủ tục quá phức tạp. Chẳng hạn như đối với dự án vướng mắc về điều chỉnh kỹ thuật, điều chỉnh tổng mức đầu tư thì phải liên quan đến điều chỉnh chủ trương dự án. Ngoài ra, một số dự án của Ban còn vướng mỏ vật liệu xây dựng, bãi thải nên dẫn đến chậm tiến độ thi công.
Thi công Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột. |
Chiếm lượng vốn lớn thứ hai, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh được giao trên 858 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2023 (chiếm 17,7% kế hoạch vốn của tỉnh). Tính đến ngày 19/7/2023, Ban cũng chỉ mới giải ngân được trên 141/858 tỷ đồng (bằng 16,6% kế hoạch).
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Lữ Ngọc Sinh lý giải, tỷ lệ giải ngân vốn của Ban đạt thấp là do trong quá trình triển khai một số dự án có phát sinh nhiều thủ tục; có những dự án thay đổi thời gian, phải tiến hành điều chỉnh.
Đây cũng là khó khăn, vướng mắc của nhiều chủ đầu tư khác trên địa bàn tỉnh trong giải ngân VĐTC. Về nguyên nhân của những cái "vướng" trên, nếu như năm 2022 còn lý giải là do tác động bởi dịch COVID-19, nhưng năm 2023, tình trạng kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nhiều, cuộc sống đã trở lại bình thường song tỷ lệ giải ngân vẫn không có sự bứt tốc. Đáng chú ý, nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí toàn tỉnh có tới hai đơn vị chưa giải ngân được đồng nào. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ trì trệ. Vì vậy, đã đến lúc cần đưa ra những giải pháp cứng rắn để thay đổi tình hình.
Nguồn: Báo Đắk Lắk
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0