Thống nhất nhận thức trong hoạt động thanh tra, kiểm tra
Cập nhật lúc: 29/09/2020 13:52 2037
Cập nhật lúc: 29/09/2020 13:52 2037
Các đại biểu hiến kế đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước ngày 14/7/2020. Ảnh: TH
Còn hạn chế về công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra
Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, thực tiễn công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra trong thời gian vừa qua cho thấy, về cơ bản, các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra được thực hiện nghiêm túc, nhất là việc thực hiện công khai kết quả đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thanh tra.
Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động thanh tra trong thời gian qua vẫn còn một số vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật về công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình đang đặt ra đối với hoạt động thanh tra, nhất là trong xây dựng kế hoạch thanh tra và trong tiến hành các cuộc thanh tra cụ thể.
Theo TS.Khanh, việc xây dựng kế hoạch thanh tra vẫn còn tình trạng chồng chéo trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chồng chéo, chưa thuyết phục trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra nói chung là do còn những hạn chế trong công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra.
Mặt khác, nhìn chung về trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra còn chưa thực sự rõ ràng, chưa bảo đảm công khai, minh bạch. Đặc biệt, quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chưa đầy đủ, bị phân tán và phụ thuộc vào từng lĩnh vực quản lý Nhà nước tạo ra nguy cơ về sự tùy tiện của cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm tra doanh nghiệp. Quy định về việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra còn chưa hợp lý, chưa tạo được sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, những hạn chế bất cập trong công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra còn thể hiện trong giai đoạn chuẩn bị thanh tra. Do chưa có quy định cụ thể để đảm bảo minh bạch và giải trình về việc xác định đối tượng cần thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình và từ đó xác định cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến được thanh tra và các đối tượng có liên quan.
Trong tiến hành thanh tra, quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra chuyên ngành chưa phù hợp. Đơn cử, việc gửi quyết định thanh tra đến đối tượng thanh tra trước khi tiến hành thanh tra tại khoản 5, Điều 36, Luật Thanh tra, điều này có thể khiến đối tượng thanh tra xóa dấu vết vi phạm, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra. Quy định về việc công bố quyết định thanh tra trước khi thanh tra đột xuất cũng gây nên những trở ngại tương tự, nhất là trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, y tế, dược phẩm, môi trường hành nghề kinh doanh nhạy cảm.
Ông Khanh cũng cho rằng, trong ban hành, công khai kết luận thanh tra, quy định công khai kết luận thanh tra chưa phù hợp với đoàn thanh tra chuyên ngành. Nếu phát hiện một cách cứng nhắc thiếu linh hoạt thì không phù hợp một số ngành như ngân hàng, bởi lẽ thông tin cụ thể về kết luận thanh tra có thể gây ra các rủi ro về thị trường tín dụng, ảnh hưởng đến xã hội.
Còn trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra ở nhiều nơi chưa nghiêm túc, nhất là trong việc thu hồi các khoản tiền sai phạm nộp ngân sách nhà nước, còn thiếu các quy định về các biện pháp hữu hiệu, các chế tài cụ thể để buộc các đối tượng phải thực hiện…
Nhận thức đúng bản chất, mục đích, nguyên tắc của hoạt động thanh, kiểm tra
Trước những hạn chế và bất cập đó, TS. Khanh đã kiến nghị đề xuất một số giải pháp đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra mà trước hết là cần thống nhất trong hoạt động nhận thức về hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Lý giải vấn đề này, TS. Khanh cho rằng, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra trước hết cần có nhận thức đúng bản chất, mục đích, nguyên tắc của hoạt động thanh tra, kiểm tra nói chung. Thanh tra, kiểm tra thường đi cùng nhau với tính chất là một giai đoạn trong chu trình quản lý Nhà nước. Thanh tra, kiểm tra có những điểm giao thoa, nhưng không trùng lặp. Mỗi hoạt động mang bản chất, mục đích và nguyên tắc riêng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra trong bối cảnh hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động này, bảo đảm công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình cần phải bắt đầu tự việc nhận thức đúng bản chất của hoạt động, xác định đúng mục đích của hoạt động và đặc biệt phải tuân thủ các nguyên tắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
“Bất kỳ một hoạt động nào của con người nếu không được nhận thức đúng bản chất, mục đích và các nguyên tắc chi phối thì đều không thể mang lại kết quả tốt đẹp. Việc nhận thức đúng bản chất, mục đích và các nguyên tắc hoạt động sẽ giúp phân biệt rõ ràng hai loại hoạt động này (thanh, kiểm tra) để từ đó có biện pháp tác động làm tăng hiệu lực, hiệu quả của từng hoạt động”, TS. Khanh giải thích thêm.
Bên cạnh đó, việc phân định thanh tra, kiểm tra phải trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân công phân cấp trong quản lý Nhà nước, cải cách hành chính Nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Bóc tách rõ ràng giữa thanh tra hành chính với chuyên ngành
Ngoài ra, phải sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành. Hiện nay, tổ chức các cơ quan thanh tra còn dàn trải, thiếu tính thống nhất, ảnh hưởng đến sự chỉ đạo thông suốt trong toàn hệ thống. Vì vậy, làm hạn chế việc thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch và giải trình trong hoạt động thanh tra. Do đó, cần tổ chức lại các cơ quan thanh tra theo hướng tinh gọn, hoạt động thực sự hiệu quả, hiệu lực trở thành một thiết chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước và việc thực hiện công vụ trong các cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần chấn chỉnh và hoàn thiện cơ chế quản lý, xây dựng một nền công vụ liêm chính và hành động.
Cùng với đó, bóc tách rõ ràng giữa thanh tra hành chính với thanh tra, kiểm tra chuyên ngành là những quy định cụ thể về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong từng loại hoạt động thanh tra cho phù hợp.
Đồng thời, cần có quy định đặc thù về bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra chuyên ngành, từ việc khảo sát, nắm tình hình đến ban hành, công bố quyết định thanh tra, công khai kết luận thanh tra, giải trình trong quá trình thực hiện kết luận.
Ngoài ra, cần phải triển khai việc xây dựng tiêu chí quản lý rủi ro trong chấp hành pháp luật ở từng ngành, lĩnh vực để bảo đảm việc xây dựng kế hoạch thanh tra thực sự minh bạch. Thực hiện tốt việc chia sẻ và kết nối thông tin giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra.
“Có thể nói, đây là vấn đề hết sức quan trọng trong việc phát hiện và xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra nói riêng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh, kiểm tra nói chung trong giai đoạn hiện nay”, TS. Khanh nhấn mạnh.
Nguồn: thanhtra.com.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0