Thị trường các nước Hồi giáo: Cơ hội lớn cho hợp tác xã nông nghiệp Đắk Lắk
Cập nhật lúc: 02/04/2024 14:31 1438
Cập nhật lúc: 02/04/2024 14:31 1438
Hiện nay, cộng đồng Hồi giáo có hơn 2 tỷ người, sinh sống tại 112 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực. Theo khảo sát của các tổ chức kinh tế, năm 2024, giá trị của thị trường Hồi giáo lên đến 1.972 tỷ USD.
Để xuất khẩu vào thị trường này, sản phẩm phải đạt chứng nhận Halal (tiêu chuẩn về sản phẩm được phép nhập khẩu vào các nước Hồi giáo). Hiện Việt Nam mới chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo.
Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 783 HTX, trong đó có có 536 HTX lĩnh vực nông nghiệp. Sản phẩm của các HTX Đắk Lắk có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, nhiều sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hữu cơ và có những điểm tương đồng với yêu cầu chứng nhận Halal của người Hồi giáo.
Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp hầu như chưa có sản phẩm ở thị trường Hồi giáo. Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng này là do phần lớn HTX vẫn chưa thật sự quan tâm hoặc còn khá mơ hồ thông tin về thị trường này.
Sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ và thương mại Hợp Nhất (huyện Ea Kar) tham gia một chương trình kết nối giao thương. |
Cụ thể, theo đại diện một HTX về chế biến cà phê, mắc ca ở huyện Ea H’leo, qua tìm hiểu cho thấy, sản phẩm có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của người Hồi giáo, nhưng khó khăn của đơn vị hiện nay là chưa có chứng nhận Halal nên chưa thể thâm nhập vào thị trường này.
Trong khi đó, một HTX sản xuất, chế biến thực phẩm tại huyện Buôn Đôn cho rằng, thị trường Hồi giáo rất tiềm năng, nhưng đến nay vẫn chưa biết rõ sản phẩm có đạt yêu cầu hay không và cần liên kết với đơn vị nào để có những hướng dẫn cụ thể trong xuất khẩu cũng như làm chứng nhận Halal.
Chứng nhận Halal được xem như "giấy thông hành" vào thị trường các nước Hồi giáo, nếu không có chứng nhận thì dù sản phẩm chất lượng cao, giá rẻ cũng không được lưu thông tại thị trường này. Theo các chuyên gia, người Hồi giáo có những quy định riêng trong chế biến, sử dụng thực phẩm, các doanh nghiệp, HTX không vi phạm các quy định thì việc đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của Halal là không quá khó. |
Với kinh nghiệm tư vấn về các tiêu chuẩn nông nghiệp và xúc tiến xuất khẩu cho các HTX, bà Nguyễn Phương Thư, Chủ tịch HĐQT HTX Ban Mê Xanh cho biết, cánh cửa vào thị trường Hồi giáo rất rộng. Nhiều sản phẩm của HTX tại Đắk Lắk có chất lượng cao, nhưng thường xuất khẩu qua các doanh nghiệp nước ngoài. Trong năm nay, HTX sẽ tư vấn miễn phí về tiêu chuẩn Halal cho các HTX nông nghiệp để rộng đường thâm nhập vào thị trường các nước Hồi giáo.
Hiện tại, Công ty TNHH HALAL Việt Nam là đơn vị hỗ trợ các nhà sản xuất kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo ở châu Âu, châu Á và khu vực Ả Rập.
Ông Nại Thành Hoàng Gia, Giám đốc Công ty TNHH HALAL Việt Nam cho biết, nhiều nông sản của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu chứng nhận Halal. Tuy nhiên, hiện nay thực phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu là nông sản thô và sơ chế.
Do đó, các doanh nghiệp, HTX của tỉnh Đắk Lắk cần quan tâm hơn nữa đến quy trình sản xuất, chế biến, thông tin về thị trường, tiêu chuẩn Halal để đáp ứng được những yêu cầu gắt gao của thị trường các nước Hồi giáo.
Công ty TNHH HALAL Việt Nam sẵn hàng hỗ trợ nông dân, HTX sản xuất các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn chứng nhận, qua đó, đáp ứng yêu cầu của thị trường các nước Hồi giáo.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, địa phương cần quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại quốc tế, hỗ trợ thông tin về những hàng rào thương mại, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hồi giáo.
Sơ chế cà phê tại Hợp tác xã Dịch vụ và thương mại Quỳnh Tân (huyện Krông Ana). |
Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, sản phẩm của các HTX có chất lượng tốt, nhiều HTX đã đầu tư nhà máy, cơ sở chế biến và có các chứng chỉ. Đây là điều kiện thuận lợi để đạt chứng nhận Halal.
Nhìn chung, sản phẩm của các tổ chức kinh tế tập thể tại Đắk Lắk có thể đáp ứng được yêu cầu của các nước Hồi giáo. Liên minh HTX tỉnh cam kết sẽ làm đầu mối để tổ chức HALAL hợp tác với địa phương, nhất là hỗ trợ các HTX trong việc đánh giá, cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn Halal cho sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm nông sản chủ lực tại địa phương, qua đó, mở rộng thị trường quốc tế.
Về phía các HTX, cần chủ động tìm hiểu về nhu cầu thị trường; khi sản phẩm đủ điều kiện có mặt tại thị trường này thì phải thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn chất lượng, quy định của Halal cũng như văn hóa của người Hồi giáo. Đồng thời, liên kết sản xuất giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp để tạo sản phẩm số lượng lớn, chất lượng cao, đồng đều.
Nguồn: baodaklak.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0