Tập trung nền tảng chuyển đổi số
Cập nhật lúc: 01/11/2021 11:00 546
Cập nhật lúc: 01/11/2021 11:00 546
Kết quả đánh giá Chuyển đổi số quốc gia (DTI) 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai cho thấy, Đắk Lắk xếp vị thứ 30/63 tỉnh thành, có chỉ số điểm 0,3177, thuộc nhóm 3 giá trị trụ cột Chính quyền số quốc gia.
Đây là kết quả nỗ lực của địa phương trong thời gian qua, vận dụng kế hoạch chuyển đổi số vào quản lý đời sống, ứng dụng công nghệ số vào cải cách hành chính, kinh tế xã hội, đặc biệt tăng tiện ích phục vụ người dân. Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về kết quả này.
Thưa ông, mục tiêu của kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh đặt ra là gì?
Mục tiêu cụ thể, hiệu quả của chuyển đổi số chính là kế thừa, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai chính quyền điện tử giai đoạn vừa qua; từng bước triển khai các ứng dụng công nghệ mới, công nghệ ứng dụng số nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước trong thời gian tới, góp phần cải thiện các chỉ số cạnh tranh của tỉnh, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thu hút các nhà đầu tư chất lượng để hoàn thành tốt các chỉ tiêu của địa phương.
Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung cấp các dịch vụ, hành chính công trực tuyến; từng bước nâng cao hiệu quả phục vụ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; trước mắt ở các đô thị trung tâm, đầu mối triển khai mô hình “đô thị thông minh”. Mục tiêu chủ yếu và xuyên suốt được lãnh đạo tỉnh đề ra là quyết tâm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 100% mức độ 4.
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk chính thức vận hành các dịch vụ từ ngày 1-9-2021. Ảnh: Bá Thăng |
Vậy theo ông, quá trình chuyển đổi số vừa qua đã được triển khai ra sao, nhất là phát triển đô thị thông minh, tăng cơ hội cho người dân đô thị nhận thức và hưởng lợi nhiều hơn?
Biểu hiện cụ thể của chuyển đổi số về hoạt động hành chính của các đô thị chính là lộ trình hiện thực hóa giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí về thủ tục hành chính. Theo đó, cơ quan nhà nước phải đi đầu, thúc đẩy và phát huy sự đồng bộ chuyển đổi số ở các lĩnh vực kinh tế, theo tiến trình “làm việc không giấy tờ, họp không tập trung, giải quyết thủ tục không gặp, thanh toán không dùng tiền mặt”, và tạo lập gắn với khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Để phát triển cơ hội cho người dân đô thị nhận thức và hưởng lợi nhiều hơn qua vận động chuyển đổi số của địa phương, giải pháp thực hiện cần cụ thể triển khai ở cả 3 trụ cột chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu là tạo điều kiện để người dân tiếp cận kết quả chuyển đổi số theo hướng gia tăng cơ hội làm ăn, cải thiện thu nhập, giảm phiền phức thủ tục hành chính nhờ các dịch vụ công mức độ 3, 4..., thuận tiện kết nối giới thiệu sản phẩm hàng hóa qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp cận được các mảng thị trường giá trị gia tăng cao.
Mục tiêu chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk và xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 |
Về chính quyền số, đô thị thông minh, phải đẩy mạnh triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển chính quyền điện tử; tập trung phát triển hạ tầng số, áp dụng công nghệ chuyển đổi số toàn diện; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 qua thiết bị thông minh; xây dựng, phát triển và hoàn thiện kho dữ liệu mở dùng chung, kết nối, chia sẻ với Cổng dữ liệu quốc gia; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng.
Về kinh tế số, phải thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, phát triển thị trường thương mại điện tử; khuyến khích doanh nghiệp hợp tác các tổ chức khoa học phát triển các sản phẩm công nghệ số, nội dung số, quảng cáo số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh.
Về xã hội số, cần thúc đẩy chuyển đổi số xã hội, cung cấp các khóa học trực tuyến mở để đào tạo, tập huấn về công nghệ số và chuyển đổi số tại địa phương; hình thành văn hóa số ở các cơ quan đơn vị; triển khai mô hình giáo dục tích hợp, đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin tại các cấp học; hướng nghiệp nhân lực cho môi trường số…
Đối với địa phương, phải nhận diện rõ một số lĩnh vực cần chú ý chuyển đổi số trong thời gian tới, là nông nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông vận tải và logistics, công nghiệp và năng lượng, môi trường, du lịch, tài chính.
Cụ thể ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý địa bàn, thực hiện chuyển đổi số của tỉnh đã có những kết quả gì, thưa ông?
Các ứng dụng trong quá trình chuyển đổi số của tỉnh đã tổ chức gồm Cổng thông tin điện tử, Cổng cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông, Hệ thống Văn phòng điện tử, Trung tâm Tích hợp dữ liệu và Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Gần đây và có tính thời sự, là hoạt động phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch quốc gia triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Hướng dẫn người dân khai báo y tế điện tử tại Chốt kiểm soát dịch COVID-19 (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Kim Hoàng |
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh ban hành Kế hoạch số 02 (ngày 5-4-2021) triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, mức độ 4 của các cơ quan nhà nước trong năm 2021; tham mưu công bố Danh mục thủ tục hành chính được cung cấp, tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trên hệ thống Cổng dịch vụ công. Tính đến ngày 15-10-2021, hệ thống này đã cung cấp 1.543 thủ tục hành chính, với 1.249 thủ tục cấp tỉnh, 191 thủ tục cấp huyện, 103 thủ tục cấp xã. Trong đó có 456 dịch vụ mức độ 3, 712 dịch vụ mức độ 4, đạt tỷ lệ triển khai 46,14% dịch vụ công mức độ 4.
Cụ thể về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa bàn, tỉnh đã áp dụng thành công khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người vào ra địa điểm bằng mã QR; lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử; hỗ trợ truy vết, quản lý tiêm chủng, hệ thống camera giám sát ở các khu cách ly tập trung; kiểm soát đi lại ở các chốt kiểm dịch.
Trong đó, nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý vào, ra địa điểm công cộng sử dụng mã QR đã hỗ trợ tốt công tác phòng, chống dịch, như giúp hạn chế tiếp xúc gần, thuận tiện quản lý số liệu, thống kê, lưu trữ hồ sơ dữ liệu; rút ngắn thời gian khai báo y tế cho người dân; hỗ trợ truy vết nhanh chóng các ca nhiễm và nghi nhiễm.
Một số chốt kiểm tra cũng được thiết lập, đầu tư thiết bị khai báo, có cả hệ thống khai báo y tế điện tử định danh bằng khuôn mặt, như các chốt ở Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), đèo Phượng Hoàng (huyện M’Drắk), cầu 110 (huyện Ea H’leo)… đã hoạt động rất hiệu quả.
Nguồn: Báo Đắk Lắk
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0