Tạo môi trường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ
Cập nhật lúc: 23/03/2023 10:40 1648
Cập nhật lúc: 23/03/2023 10:40 1648
Tại buổi đối thoại, trong không khí thẳng thắn, chân thành, nhiều bạn trẻ ở các tỉnh thành cả nước đã bày tỏ tâm tư, ý kiến liên quan đến 3 chủ đề là: Giáo dục, đào tạo vì mục tiêu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên 4.0; Rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên; Kiến tạo môi trường để thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, sáng tạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên. (Ảnh chụp màn hình) |
Trả lời câu hỏi về những chính sách giúp thanh niên trong Cuộc cách mạng 4.0, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, đất nước đang thực hiện khát vọng lớn đến năm 2030 là nước có thu nhập trung bình cao. Đảng ta xác định giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu, có nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục đào tạo, phát triển khoa học công nghệ. Đất nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, có nhiều thứ cần phải làm, nhưng nguồn lực còn khiêm tốn. Do đó, nền giáo dục phải đặt trong hoàn cảnh đất nước, phải luôn luôn sát với tình hình thực tế, trong điều kiện khó khăn nhưng vẫn nâng cao được tiềm lực của các cơ sở đào tạo, năng lực đào tạo, việc biên soạn các chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu thế giới, phù hợp hoàn cảnh đất nước. Vì vậy, rất cần sự nỗ lực của bản thân mỗi người trong học tập, rèn luyện, đáp ứng yêu cầu phát triển phù hợp với hoàn cảnh đất nước là điều quan trọng nhất với học sinh, sinh viên; làm sao cho bạn trẻ có kỹ năng sống, thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh. Khi có nghề thì có kỹ năng nghề cao, tạo ra sự cạnh tranh.
Với câu hỏi về giải pháp để hỗ trợ lao động trẻ được đào tạo lại nghề và trang bị các kỹ năng cần thiết khi tham gia thị trường lao động hiện nay, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, nước ta là nước có dân số trẻ, lao động trẻ, tuy nhiên năng lực cạnh tranh quốc gia lại chưa mạnh, năng suất lao động chưa cao, kỹ năng lao động, kỹ năng sống còn nhiều vấn đề. Hiện nay, về tỷ lệ lao động qua đào tạo, chỉ 26,1% có chứng chỉ, ở mức thấp so với các nước, dẫn tới có sự phân hóa trong xã hội rất lớn. Do đó, thanh niên Việt Nam phải đối diện với bốn chuyển đổi, nếu không thay đổi sẽ tụt hậu. Đó là chuyển đổi công nghệ làm thay đổi quản trị quốc gia, sẽ làm thay đổi lối sống giới trẻ. Chuyển đổi không gian giúp thúc đẩy đô thị hóa, làm thay đổi cơ cấu việc làm, điều kiện sống và cung cách làm việc. Chuyển đổi xanh làm thay đổi mô hình kinh tế và chuyển đổi mô hình xã hội, từ dân số trẻ bước sang dân số già.
Đại biểu dự buổi đối thoại tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Chị Nguyễn Lê Trang, nghiên cứu viên tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nêu chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu trong việc quy hoạch và sử dụng cán bộ trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị ở một số nơi chưa nhận thức được đầy đủ trong việc thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút, giữ chân cán bộ trẻ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm vào các vị trí công tác phù hợp. Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các chiến lược của Đảng, Chính phủ về phát triển các chỉ tiêu, phấn đấu đến năm 2030 có 15% thanh niên tham gia quản lý lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước cũng như tổ chức chính trị xã hội, song thực tế cán bộ trẻ tham gia cấp ủy bộ, ngành, địa phương hoặc cấp phòng, sở chỉ đạt 10%. Thời gian tới, Bộ Nội vụ cũng tham mưu cho Chính phủ đề nghị các cấp ủy, chính quyền, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách về cán bộ trẻ, trước hết tham gia cấp ủy các cấp đạt 10% và tới năm 2030 đạt 15%. Các bạn thanh niên hơn lúc nào hết phát huy, ra sức học tập, rèn luyện và thực sự có khát vọng, cống hiến vươn lên, lập thân, lập nghiệp, với khu vực công thì phấn đấu tham gia vị trí việc làm.
Kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Thanh niên hiện nay phải có lý tưởng; có khát vọng sống vươn lên mọi lúc mọi nơi; có bản lĩnh vững vàng trong mọi hoàn cảnh; sáng tạo mạnh mẽ trong thời đại 4.0, trách nhiệm với chính mình, gia đình, xã hội; cống hiến hết mình vì đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Đảng, Nhà nước luôn tạo môi trường và cổ vũ các bạn!”. |
Về chính sách nhà ở cho thanh niên công nhân và lao động trẻ, sau phát biểu của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thủ tướng cho biết, pháp luật về nhà ở đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động, trong đó có lao động trẻ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Xây dựng triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Theo đó, sẽ mở rộng hình thức thuê và thuê mua nhà, mở rộng đối tượng, tạo điều kiện để người dân, trong đó có thanh niên có cơ hội “an cư, lạc nghiệp”.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn tạo cơ chế, chính sách cho thanh niên khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng thể chế về không gian đổi mới, sáng tạo, tạo hệ sinh thái, vườn ươm đổi mới, sáng tạo; ưu tiên vay vốn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra thị trường, sản phẩm... để khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.
Tại buổi đối thoại lần này, bạn trẻ Phạm Đình Khánh (sinh ra và lớn lên ở Úc) đã gửi câu hỏi về những chính sách, giải pháp cụ thể nào nhằm đẩy mạnh các hoạt động hướng về cội nguồn dành cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ kiều bào. Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, tư tưởng xuyên suốt của Đảng, Nhà nước luôn coi kiều bào là bộ phận không thể tách rời của người Việt. Vì vậy, đã có nhiều chính sách tạo điều kiện để thanh niên, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất nước. Bộ Ngoại giao đã tham mưu với Chính phủ tạo ra nhiều kênh khác nhau để gắn kết cộng đồng bà con ở nước ngoài vào cộng đồng trong nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh thêm, người Việt Nam trong và ngoài nước đều là "con Lạc, cháu Hồng". Đảng và Nhà nước có trách nhiệm với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ngược lại cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cần có trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Tại buổi đối thoại, một số nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe thanh niên, phát triển công nghiệp văn hóa, việc hiện thực hóa về tuyển chọn, bồi dưỡng cán bộ trẻ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xử lý "rác" trên không gian mạng; chính sách riêng cho thanh niên khuyết tật... cũng được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ giải đáp cụ thể.
Nguồn Báo Đắk Lắk
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0