Sửa đổi Luật Doanh nghiệp từ khâu quản lý đăng ký kinh doanh
Cập nhật lúc: 06/07/2020 15:49 343
Cập nhật lúc: 06/07/2020 15:49 343
Sau hơn 7 năm thực thi, Luật Doanh nghiệp 2005 bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn nhiều bất cập khi các quy định trong Luật còn chưa rõ ràng, chồng chéo và chưa đáp ứng kịp thời với sự biến đổi của nền kinh tế.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lưu trữ những thông tin cơ bản mà DN kê khai. |
Ngày 10/9 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi bổ sung Luật Doanh nghiệp.
Với tư cách là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp (DN), đồng thời, chuẩn bị và xây dựng định hướng sửa đổi Luật Doanh nghiệp, ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã đề xuất cần sửa đổi Luật DN theo các nhóm vấn đề.
Trước hết là về vấn đề thành lập DN. Luật DN quy định DN phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh nộp tại cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh. Trên cơ sở đó, các thông tin kê khai này khi được cơ quan đăng ký kinh doanh lưu trữ trong hệ thống thông tin nghiệp vụ của mình cần phải được quy định là thông tin gốc về DN.
Giấy chứng nhận đăng ký DN (bản có dấu đỏ) sẽ không còn nhiều giá trị pháp lý do việc DN được thành lập đã được ghi nhận trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ của cơ quan đăng ký kinh doanh. Giấy chứng nhận đăng ký DN chỉ là một hình thức chuyển tải, lưu trữ các thông tin cơ bản mà DN đã kê khai và được cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận.
Quy định này nếu được bổ sung trong Luật DN sẽ dẫn đến việc xóa bỏ quy định việc nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký DN bản gốc trong hồ sơ đăng ký DN và quy định về việc cấp các bản Giấy chứng nhận đăng ký DN (bản dấu đỏ).
Việc quy định Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam và tổ chức, cá nhân trong nước thành lập DN gắn với dự án đầu tư, đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình triển khai và ghi nhận những cách thức triển khai khác nhau ở mỗi tỉnh/thành phố. Quy định này cũng gây ra nhiều bức xúc đối với cộng đồng DN trong quá trình thực hiện.
Về vấn đề này, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần tách bạch theo 2 phương án, hoặc đăng ký kinh doanh trước, thủ tục đầu tư sau, hoặc ngược lại.
Mỗi phương án đều có ưu và nhược điểm. Ví dụ, nếu thực hiện đăng ký kinh doanh trước, thủ tục đầu tư sau thì nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng thành lập DN để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Nhưng nhược điểm là gây khó khăn cho những nhà đầu tư lớn khi phải chuyển lượng tiền lớn góp vốn điều lệ trong thời hạn quy định, ngay cả khi dự án chưa làm thủ tục hoặc đang làm thủ tục. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ chỉ thu hút được các dự án đầu tư nhỏ, không thu hút được các dự án đầu tư lớn.
Với phương án thực hiện thủ tục đầu tư trước, nhà đầu tư chỉ phải bỏ vốn ra khi thủ tục đầu tư đã hoàn thành. Đây là phương án thích hợp với các dự án lớn.
Quy trình này đã được áp dụng trong thủ tục thành lập ngân hàng, DN BOT. Điều này thuận tiện cho cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện nghiệp vụ đăng ký DN (cấp đăng ký kinh doanh ngay sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ), nhưng nhược điểm là không thuận lợi cho các dự án có vốn đầu tư nhỏ, dự án trong lĩnh vực dịch vụ.
Minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp
Hiện nay, nguồn thông tin đăng ký kinh doanh có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN vẫn còn thiếu về số lượng và tính xác thực. Tính đến năm 2012, cả nước có 545.000 DN thành lập, trong đó, chỉ có 360.000 DN hoạt động (theo Tổng cục Thống kê).
Việc thiếu nguồn thông tin về tình trạng thực tế của DN sẽ dẫn tới việc các cơ quan quản lý Nhà nước không có được đầy đủ thông tin chính xác về từng DN để quản lý, kiểm tra, giám sát.
Theo Tổng cục Thống kê, có tới 79.000 DN thông tin sai tình trạng hoạt động; 82.000 DN thiếu thông tin; 149.000 DN thiếu, sai và chưa được cập nhật thông tin. Bên cạnh đó, còn các thông tin thiếu, sai khác như: mã số, địa chỉ, ngành nghề, tình trạng hoạt động, sai khác giữa thực tế và thông tin có trong cơ sở dữ liệu...
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng cần phải có chế tài đối với việc thiếu minh bạch thông tin của DN, cần đặc biệt chú trọng đến vai trò hậu kiểm. Đây cũng là xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Để tăng cường minh bạch hóa thông tin DN, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng: Việc công khai hóa, minh bạch hóa thông tin DN phải được quy định tại Luật DN, là cơ sở cho các chủ thể có liên quan đến DN tham gia vào quá trình xã hội hóa giám sát hoạt động của DN, thúc đẩy việc tuân thủ pháp luật của DN. Ngoài ra cần bổ sung quy định thông tin lưu trữ tại cơ quan đăng ký kinh doanh, là thông tin có giá trị pháp lý khi thành lập DN, người thành lập/DN kê khai và đăng ký thông tin tại cơ quan đăng ký kinh doanh và chịu trách nhiệm về các thông tin này.
Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện việc ghi nhận các thông tin và lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN làm thông tin gốc, có giá trị pháp lý. Trong quá trình hoạt động, thông tin DN thực tế có thể thay đổi so với thông tin gốc đã đăng ký nhưng điều này chỉ được công nhận khi đăng ký.
Bên cạnh các vấn đề trên, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh Lê Quang Mạnh cho rằng, Luật DN cần sửa đổi các quy định về giải thể DN và dừng hoạt động của DN, mua bán, sáp nhập và tổ chức lại doanh nghiệp khung quản trị doanh nghiệp.
Huy Thắng
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0