Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ hai về quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Cập nhật lúc: 08/12/2023 16:46 414
Cập nhật lúc: 08/12/2023 16:46 414
Chiều ngày 30/11/2023, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên chủ trì Hội nghị điều phối vùng Tây Nguyên Chuyên đề về Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bí thư tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ngành trung ương, các địa phương vùng Tây Nguyên, các chuyên gia và nhà khoa học.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để hoạch định chiến lược phát triển dài hạn cho vùng Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Nhằm tiếp tục hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Vùng đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị, cụ thể hóa các quy hoạch cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong Vùng cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.
Bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng; trong đó chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững. Quy hoạch vùng cũng là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu từ công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng.
Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học, trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia đã và đang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Hiện nay, đã có 106/110 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được trình thẩm định xong (96%), trong đó có 17 quy hoạch cấp quốc gia và 25 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các Hội nghị xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; tổ chức các đoàn khảo sát và làm việc với 05 địa phương trong vùng, các cơ quan, đơn vị chuyên môn của các Bộ, ngành trung ương. Ngày 18/9/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Hồ sơ quy hoạch vùng để xin ý kiến các cơ quan liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng ngày hôm nay là bước tiếp theo rất quan trọng và hết sức cần thiết để cơ quan lập quy hoạch tiếp tục lắng nghe ý kiến tham gia để sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch vùng; tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” phát triển của vùng trong thời gian vừa qua và đề ra mục tiêu, phương án phát triển cũng như giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Để bảo đảm Quy hoạch vùng Tây Nguyên có chất lượng, hiệu quả và khả thi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên Hội đồng, các đại biểu cho ý kiến đối với một số nội dung cụ thể. Một là, cho ý kiến về việc xác định các vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết, các khâu đột phá phát triển, cơ cấu lại mô hình tăng trưởng của Vùng.
Hai là, cho ý kiến về định hướng tổ chức không gian phát triển gồm 3 tiểu vùng - 3 cực tăng trưởng - 5 hành lang kinh tế nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng, liên kết quốc tế, đặc biệt là liên kết với khu vực Duyên hải Nam trung bộ, vùng Đông Nam Bộ, cũng như vai trò, vị trí chiến lược của vùng trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và Tiểu vùng sông Mê Kông.
Ba là, cho ý kiến về định hướng, giải pháp về phát triển ngành, lĩnh vực, trọng tâm là kết cấu hạ tầng liên kết vùng như giao thông, thủy lợi, hạ tầng số; giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đặc biệt là các xung đột, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh trong quản lý tài nguyên rừng, khoáng sản, đất đai và tài nguyên nước; các thách thức do tác động biến đổi khí hậu.
Bốn là, cho ý kiến về định hướng, giải pháp về phát triển văn hóa - xã hội; giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy được các di sản văn hóa, giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng.
Năm là, cho ý kiến về giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, trong đó lưu ý về danh mục dự án liên kết vùng ưu tiên đầu tư; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết vùng để thúc đẩy hợp tác phát triển vùng có hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất mong nhận được sự chung sức, đồng lòng của các bộ, ngành và địa phương, cũng như sự góp sức chung tay của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức trong quá trình hoàn thiện quy hoạch; lắng nghe và tiếp thu các ý kiến với tinh thần cầu thị cao nhất để sớm hoàn thiện Quy hoạch vùng, trình Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Dự thảo quy hoạch đưa ra mục tiêu tổng quát là vùng Tây Nguyên hướng tới là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường.
Về các nhiệm vụ trọng tâm, Dự thảo nêu rõ, thực hiện có hiệu quả cơ chế điều phối Vùng, thúc đẩy năng lực cạnh tranh cấp Vùng. Tăng cường thu hút nguồn lực, xúc tiến đầu tư cấp Vùng và thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng trong hoạt động chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ trong các ngành quan trọng. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mô hình phát triển kinh tế Vùng. Xây dựng các nền tảng chuyển đổi nền kinh tế theo hướng hiện đại ưu tiên các ngành công nghiệp chế biến, phục vụ phát triển nông nghiệp. Hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tăng cường chất lượng các dịch vụ trung gian cấp vùng để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực trọng điểm.
Nâng chất lượng, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trong Vùng đặc biệt ở các địa bàn khó khăn vùng sâu vùng xa. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, bản sắc, vốn sinh thái nhân văn Vùng Tây Nguyên. Hoàn thành xây dựng hạ tầng kết nối liên vùng, liên tỉnh. Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học công nghệ cấp vùng.
Phát triển kết cấu hạ tầng kết nối nhanh giữa các trung tâm tổng hợp, chuyên ngành của vùng với các trung tâm kinh tế lớn Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 VIUP - Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia 33 của các vùng lân cận. Quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng Tây Nguyên đi đầu trong bảo tồn, phục hồi làm giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng, trở thành Vùng có nền kinh tế trung hòa carbon.
Dự thảo đưa ra các đột phá phát triển về nâng cao năng lực cạnh tranh của Vùng; về chính sách; về chất lượng nhân lực; về hạ tầng liên vùng. Đồng thời đưa ra các tiêu chí lựa chọn các ngành lĩnh vực lợi thế; lựa chọn các ngành lợi thế của Vùng; Định hướng và mục tiêu phát triển các ngành có lợi thế./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0