Để hợp tác xã hoạt động thực chất và hiệu quả
Cập nhật lúc: 22/01/2024 11:31 1718
Cập nhật lúc: 22/01/2024 11:31 1718
Nhiều nhưng chưa mạnh
Đến nay, toàn tỉnh có 770 HTX và 5 liên hiệp HTX đăng ký, trong đó có 626 HTX hoạt động và 144 HTX ngừng hoạt động. Đắk Lắk được đánh giá là địa phương có số lượng HTX nhiều so với bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, về quy mô và chất lượng hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh vẫn chưa cao.
Nhiều HTX vẫn ở trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu. Số lượng HTX ngừng hoạt động, yếu kém còn khá nhiều; nhiều HTX còn lúng túng trong việc xác định phương hướng hoạt động trong bối cảnh hội nhập toàn cầu với sự cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt.
Bên cạnh đó, hoạt động của HTX còn thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết hệ thống cả về kinh tế, xã hội và tổ chức. Tỷ lệ HTX xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ cao, phát triển quy mô gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực địa phương còn hạn chế.
Bên cạnh đó, số lượng HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước còn ít, đặc biệt chính sách hỗ trợ tín dụng; chính sách giao đất, cho thuê đất (địa phương hết quỹ đất công); chính sách hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng. Chưa kể, một số luật, quy định liên quan còn chồng chéo dẫn đến sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức KTTT với nhau còn yếu...
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phát triển KTTT, HTX tỉnh, bên cạnh nội lực của HTX chưa mạnh, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn hạn chế.
Cụ thể, sự phối hợp giữa cơ quan chức năng với các HTX chưa chặt chẽ và kịp thời; công tác hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTT, HTX chưa thật sát sao; thủ tục hành chính, hồ sơ thụ hưởng chính sách của HTX còn phức tạp...
Một rào cản khách quan trong phát triển KTTT là khung khổ pháp luật về HTX còn bất cập, chưa rõ nét; hệ thống chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ, nhất quán, lại phân tán nên chưa đủ mạnh để tạo bước đột phá cho KTTT, HTX phát triển mạnh, bền vững. Ngoài ra, nguồn kinh phí theo Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025 đã ban hành được 3 năm, nhưng địa phương chưa được bố trí đủ kinh phí.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk kết nối cung cầu qua cửa hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của hợp tác xã. |
Tạo động lực cho kinh tế tập thể, hợp tác xã
Luật HTX 2023 ra đời có nhiều chính sách thuận lợi cho KTTT, HTX phát triển, đặc biệt là một số chính sách mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng hơn cho HTX phát triển, từng bước loại bỏ những trở ngại kìm hãm sự phát triển của HTX. Các địa phương phải đưa luật vào thực tiễn phù hợp với đặc điểm tình hình của mình, qua đó hỗ trợ, thúc đẩy được cho HTX phát triển.
Năm 2023, toàn tỉnh có 110 HTX thành lập mới (tăng 46,67% so với năm 2022, bằng 183,3% kế hoạch); số thành viên HTX ước đạt 71.000 thành viên (tăng 3%); tổng số lao động thường xuyên ước đạt 24.000 lao động (tăng 13%); toàn tỉnh có 90 HTX ứng dụng công nghệ cao (tăng 14%). |
Về phía tỉnh Đắk Lắk, thời gian tới sẽ chú trọng công tác đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT. Cụ thể, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của KTTT, gồm: Nợ tồn đọng kéo dài trong HTX, các quan hệ về tài sản của HTX, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai. Rà soát, sắp xếp lại các HTX hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể theo quy định của pháp luật. Tăng cường liên kết giữa tổ chức KTTT với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp nhà nước. Tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có quy định về cơ chế đặc thù trong sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ KTTT, đặc biệt là cơ chế đặc thù trong hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm tương tự như cơ chế đặc thù sử dụng vốn đầu tư phát triển của các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Khoản 6 Điều 18 Luật Đầu tư công.
Ban Chỉ đạo phát triển KTTT, HTX của tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí quỹ đất trên địa bàn đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX được giao đất, thuê đất để sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm và sản xuất, kinh doanh, tạo vùng nguyên liệu.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn, cần phải có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía Nhà nước và gắn kết giữa các doanh nghiệp lớn để làm "đầu tàu" đồng hành, thúc đẩy HTX cùng phát triển. Hiện Đắk Lắk đang tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia nên trong thời gian tới, tỉnh sẽ lồng ghép các nguồn lực này để hỗ trợ tổ chức đại diện cho nông dân (HTX, tổ hợp tác). Đồng thời, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cần quan tâm, ưu tiên nguồn lực thông qua tổ chức đại diện của họ. Có như vậy, việc ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất đối với từng ngành hàng mới tạo chuyển biến cho KTTT trên địa bàn.
Nguồn: baodaklak.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0