Đắk Lắk quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ trong 5 năm tới
Cập nhật lúc: 16/09/2021 14:01 727
Cập nhật lúc: 16/09/2021 14:01 727
Nhìn nhận xu thế chuyển đổi số là cơ hội vô giá, tỉnh Đắk Lắk quyết tâm xây dựng lộ trình cụ thể, đầu tư nguồn lực bài bản nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự sáng tạo, phát triển đột phá về cách thức quản lý điều hành của cơ quan nhà nước để phục vụ người dân hiệu quả. Mục tiêu hướng tới trong giai đoạn 5 năm tới, chuyển đổi số sẽ thay đổi tư duy, hành động của cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp, tạo đà thúc đẩy tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội phát triển theo định hướng “Chính quyền số- kinh tế số- xã hội số”.
Thứ trưởng gợi mở 3 nhiệm vụ
Tại Hội thảo “Chuyển đổi số xu thế của sự phát triển”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, chuyển đổi số là một hành trình, gồm 3 trụ cột chính, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, chuyển đổi số trong doanh nghiệp và chuyển đổi số trong người dân. Do đó, Thứ trưởng đã gợi mở cho tỉnh Đắk Lắk phải xác định chuyển đổi số là một hành trình dài, nhưng bắt đầu từ một bước chân cụ thể.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng tham quan gian hàng giải pháp cho thuê hạ tầng lưu trữ dữ liệu của Công ty Sao Bắc Đẩu
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị, trong năm 2021 này, Đắk Lắk tập trung vào giải quyết một số vấn đề trọng tâm sau đây: “Chính quyền số chọn điểm đột phá là đưa 100% DVCTT của tỉnh lên mức độ 4 trước 30/6/2021. Đặt mục tiêu 50% DVCTT phát sinh hồ sơ, 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến. Chúng ta có thể làm được việc này. Bến Tre, Tây Ninh là ví dụ.”
“Về kinh tế số chọn điểm đột phá là triển nền tảng truy xuất nguồn gốc và nền tảng dữ liệu số cho phép cá thể hoá đến từng cây cà phê, từng bước chuyển dịch từ việc bán cà pha nguyên liệu thô sang bán sự trải nghiệm, bán sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Đây là bài toán nhức nhối đã lâu của Tỉnh. Các doanh nghiệp công nghệ số hãy giúp Tỉnh giải quyết.
Đối với Xã hội số chọn điểm đột phá là triển khai ứng dụng hỗ trợ tư vấn sức khoẻ cho người dân trên thiết bị di động, mỗi người có thể có một bác sĩ riêng tư vấn trực tuyến. Triển khai nền tảng dạy và học trực tuyến để mỗi học sinh có thể học những bài giảng do các thầy cô giáo ưu tú thực hiện, không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý”.- Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nêu rõ.
Dành khoảng 20 tỷ/năm để chuyển đổi số
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, xác định chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi toàn diện về mọi mặt: Quản lý nhà nước, kinh tế, xã hội lên một tầm cao mới, tỉnh Đắk Lắk chủ trương liên kết, phát huy mọi nguồn lực xã hội, phấn đấu Chuyển đổi số từng bước chắc chắn và hiệu quả. Phấn đấu đến 2025, xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk sẽ nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu của cả nước.
Đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu miền Nam giới thiệu về hệ thống giám sát kho thuốc thông minh
“Về kinh phí triển khai nhiệm vụ, trong giai đoạn 2021 -2025, tỉnh Đắk Lắk dự kiến bố trí khoảng 330 tỷ từ nguồn vốn xây dựng cơ bản, đồng thời mỗi năm bố trí khoảng 20 tỷ từ nguồn kinh phí sự nghiệp để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số. Bên cạnh việc xây dựng chính sách và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, tỉnh Đắk Lắk còn đặt ra hai (02) nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, đó là: Đào tạo phát triển nhân lực số; Thúc đẩy ứng dụng số đối với hoạt động kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng số trong xã hội, cộng đồng dân cư”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh, về lộ trình chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk sẽ thực hiện theo từng năm. Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2022: Đắk Lắk xây dựng những hình mẫu về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, Chính quyền số tập trung vào cung cấp dịch vụ công số; Kinh tế số tập trung vào nông nghiệp số, năng lượng, Logistics và Môi trường; Xã hội tập trung vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phát triển cộng đồng số. Giai đoạn 2023 – 2024: Tỉnh sẽ đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn chuyển đổi số 2021 – 2022 để nhân rộng các mô hình này trong những lĩnh vực then chốt. Giai đoạn 2024 – 2025: Sẽ đánh giá, nhân rộng các mô hình có hiệu quả ra toàn xã hội.
Bên cạnh đó, trên cơ sở hiện trạng công nghệ thông tin của tỉnh Đắk Lắk và những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Đắk Lắk xác định 05quan điểm chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt trong hành trình chuyển đổi số.
Thứ nhất, xem chuyển đổi nhận thức đóng vai trò quyết định: Mọi tầng lớp trong xã hội cần được tuyên truyền để nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của chuyển đổi số để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, phải chủ động thực hiện chuyển đổi số với nguồn lực sẵn có của địa phương, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và xã hội của tỉnh.
Thứ ba, mục tiêu chuyển đổi số phải bám sát mục tiêu chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện triển khai Chuyển đổi số đồng bộ, sâu rộng đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh; đồng thời bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.
Thứ tư, lấy người dân làm trung tâm. Chuyển đổi số phải thực sự tạo ra cơ hội, giá trị mới để thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Xác định lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
Thứ năm, Chuyển đổi số phải gắn với đảm bảo an toàn thông tin. Luôn ưu tiên, chú trọng làm chủ hạ tầng và công nghệ số, không gian mạng và bảo vệ chủ quyền số quốc gia.
Nguồn: daklak.gov.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0