Chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả trên 8 lĩnh vực
Cập nhật lúc: 25/11/2024 09:35 122
Cập nhật lúc: 25/11/2024 09:35 122
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã phỏng vấn ông TRƯƠNG HOÀI ANH, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chung quanh vấn đề này.
♦ CĐS được xác định là một trong những nền tảng quan trọng để tạo sự phát triển đột phá cho tỉnh. Vậy trong thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên tập trung thực hiện CĐS và thu được kết quả nổi bật nào, thưa ông?
Xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và tạo đột phá cho sự phát triển, tỉnh đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về CĐS và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc và đạt được những kết quả tích cực, nổi bật trong lộ trình CĐS. Có thể kể đến trục liên thông văn bản điện tử của tỉnh bảo đảm cho hoạt động liên thông văn bản ở 4 cấp chính quyền. Đến tháng 10/2024, có 936 đơn vị sử dụng trục liên thông văn bản. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh hiện có 16 điểm cầu được duy trì hoạt động ổn định tại cấp tỉnh, huyện và 180 điểm cầu ở xã, phường, thị trấn. Hiện nay, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã hoàn thành việc tích hợp, kết nối với 14 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành. Một dấu ấn đậm nét trong CĐS của tỉnh là từ tháng 9/2021 chính thức đưa Trung tâm Giám sát, Điều hành đô thị thông minh vào hoạt động. Trung tâm đang vận hành 10 dịch vụ giúp cho công tác điều hành, xử lý công việc của các cơ quan chức năng diễn ra minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả và là cầu nối, thúc đẩy tương tác, giám sát hai chiều giữa chính quyền và người dân.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế số đã thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử (TMĐT). Từ chỗ chỉ tiêu thụ trong phạm vi hẹp nay sản phẩm đã đi ra ngoài huyện, ngoài tỉnh, toàn quốc… Tính đến tháng 10/2024, tỉnh Đắk Lắk có 1.715 sản phẩm trên sàn TMĐT, có 42.933 giao dịch trên sàn TMĐT, đứng thứ 5 toàn quốc. Có 259.652 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số. Trong nỗ lực phát triển công dân số, toàn tỉnh đã thu nhận, cấp 1.884.110 tài khoản định danh điện tử. Tỉnh cũng đã triển khai giải pháp chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng bằng nguồn ngân sách nhà nước.
♦ Nỗ lực thúc đẩy CĐS toàn dân, toàn diện khó tránh khỏi những rào cản. Vậy đâu là khó khăn mà tỉnh đang phải đối mặt, thưa ông?
Cũng như nhiều địa phương khác, quá trình thực hiện CĐS của Đắk Lắk đang gặp một số vướng mắc, khó khăn nhất định. Đầu tiên là hạ tầng cơ sở kỹ thuật và công nghệ thông tin chưa hoàn thiện; hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu và yếu, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Điều này gây khó khăn trong việc triển khai các ứng dụng công nghệ và dịch vụ số.
Thứ hai là nhận thức và năng lực CĐS của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn chế; nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ thiếu; chưa có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ cụ thể và đủ mạnh để thúc đẩy quá trình CĐS.
Thứ ba là các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, bảo mật thông tin và khả năng tích hợp, đồng bộ dữ liệu cũng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, đòi hỏi cần có các biện pháp cụ thể và toàn diện hơn để thúc đẩy quá trình CĐS.
Giám sát các dịch vụ tại Trung tâm Giám sát, Điều hành đô thị thông minh tỉnh. |
♦ Thưa ông, khó khăn vẫn còn đó và có không ít rào cản, song với quyết tâm thực hiện CĐS thành công, tỉnh đã đề ra những giải pháp gì để hỗ trợ, đẩy mạnh công cuộc này?
Tỉnh Đắk Lắk xác định, tiếp tục tập trung ưu tiên CĐS ở 8 lĩnh vực: nông nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông vận tải và logistics, công nghiêp và năng lượng, tài nguyên và môi trường, du lịch, tài chính và ngân hàng.
Để quá trình CĐS diễn ra đồng bộ, hiệu quả trên các lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả tích cực, tỉnh Đắk Lắk đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS. Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình CĐS của tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình CĐS; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vào xây dựng hạ tầng số tập trung, thống nhất bảo đảm hạ tầng và an toàn bảo mật để phục vụ CĐS và xây dựng đô thị thông minh; triển khai đồng bộ mạng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển mạnh mẽ mạng di động 5G, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh.
Cùng với đó, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; nâng cấp Cổng dịch vụ công của tỉnh; thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số và phát triển mạnh mẽ sàn TMĐT bảo đảm kết nối cung cầu, nhất là chuỗi giá trị nông sản, du lịch...
♦ Xin cảm ơn ông!
Nguồn: baodaklak.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0