Tiềm năng và định hướng phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Cập nhật lúc: 04/11/2020 10:46 2628
Cập nhật lúc: 04/11/2020 10:46 2628
Tỉnh Đắk Lắk ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, có tiềm năng rất lớn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài thủy điện hiện đã được khai thác, tiềm năng năng lượng tái tạo có thể phát triển điện gió đạt công suất khoảng 10.000MW, điện mặt trời đạt khoảng 16.000MWp, điện sinh khối đạt khoảng 120MW. Với tiềm năng lớn về điện mặt trời (ĐMT), điện gió, đang có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Đắk Lắk.
Những thành tựu nổi bật
Trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 2068/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Quyết định số 3946/QĐ-BCT, ngày 16 tháng 10 năm 2017 của Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả, cụ thể như sau:
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị thăm Nhà máy điện mặt trời Sêrêpôk 1 tại huyện Buôn Đôn.
Đối với thủy điện: Đã có 19 nhà máy đang vận hành, phát điện thương mại với tổng công suất lắp đặt khoảng 825MW, hàng năm sản xuất lượng điện khoảng 3,3-3,5 tỷ kWh cho hệ thống điện quốc gia.
Đối với điện mặt trời: Đã có 29 dự án đăng ký đầu tư tại địa bàn tỉnh với tổng công suất 11.500MWp. Đến nay, đã có 10 dự án đã được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất 960MWp. Trong đó, đã có 05 dự án phát điện thương mại với tổng công suất 190 MWp. Cùng với 85 MWp điện mặt trời mái nhà, đến nay tỉnh ta đã có 275 MWp điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia, dự kiến cuối năm 2020 sẽ có 900 MWp điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia.
Đối với điện gió: Đã có 47 dự án đăng ký đầu tư tại địa bàn Tỉnh với tổng công suất khoảng 10.000MW. Đến nay, đã có 09 dự án đã được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 755MW. Trong đó, có 08 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng và 01 dự án đã phát điện thương mại với tổng công suất 28,8MW, sản lượng điện sản xuất khoảng 100 triệu kWh.
Đối với điện sinh khối: Có 01 dự án đăng ký đầu tư trồng cây cao lương kết hợp với phát điện với công suất khoảng 60MW.
Việc đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành khai thác các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian qua đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần ổn định đời sống người dân. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk bổ sung nguồn điện ổn định cho hệ thống điện quốc gia khoảng 3,5-4 tỷ kWh/năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Định hướng tầm nhìn giai đoạn 2030-2045
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính Trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ngày 15/7/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về “Phát triển năng lượng tái tạo Tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là định hướng quan trọng, mở ra những cơ hội to lớn cho sự phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh nhà trong thời gian tới. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu phấn đấu, phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh đạt công suất 2.000 - 3.000MW giai đoạn 2020-2025; 3.000-4.000MW, giai đoạn 2026-2030; phấn đấu đưa tỉnh Đắk Lắk trở thành Trung tâm năng lượng của vùng Tây Nguyên.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị (người đi đầu) thị sát các hạng mục, công trình của cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra, đồng thời khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chúng tôi đề xuất một số nhóm giải pháp cụ thể như sau:
Một là, hoàn thiện công tác xây dựng và ban hành các văn bản quản lý, cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh
Trong thời gian tới cần sớm hoàn thiện thể chế, ban hành các văn bản quản lý, các cơ chế chính sách và triển khai thực hiện các cơ chế chính sách đó một cách hiệu quả nhất. Cần quan tâm các chính sách về đất đai, thuế, chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Hai là, công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo
Thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch nguồn và lưới điện kèm theo, trong đó tính toán nhu cầu truyền tải tối đa các nguồn năng lượng tái tạo để có cơ sở khoa học, pháp lý triển khai hỗ trợ các nguồn năng lượng tái tạo khi lập và thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII).
UBND Tỉnh đề nghị Bộ Công Thương trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) bổ sung quy mô công suất khoảng 2.000-3.000 MW cho giai đoạn 2020-2025, và bổ sung khoảng 3.000-4.000MW cho giai đoạn 2026-2030 .
Xác định Danh mục hạ tầng truyền tải có thể dùng chung và cơ chế chính sách đầu tư xây dựng và khai thác. Ban hành cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển công nghệ chế tạo theo hướng tăng cường nội lực, tăng tỷ lệ nội địa hóa các Dự án năng lượng tái tạo, xây dựng các Nhà máy chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo tại địa phương.
Chủ động quy hoạch sử dụng đất đai, ưu tiên quỹ đất để phát triển năng lượng tái tạo, chủ động cung cấp thông tin địa điểm dự án và hỗ trợ nhà đầu tư có quỹ đất để triển khai dự án. Ưu tiên phát triển điện mặt trời trên mặt nước các hồ thủy lợi, thủy điện. Đặc biệt khuyến khích mạnh hơn nữa loại hình điện mặt trời mái nhà.
Ba là, huy động nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo
- Để đáp ứng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2020-2025, nhiệm vụ đặt ra cần huy động nguồn kinh phí khoảng trên 105.000 tỷ đồng. Do đó cần tranh thủ tối đa các nguồn vốn Trung ương đầu tư, nhất là đầu tư các công trình hạ tầng năng lượng tại địa phương. Quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương, và đặc biệt phải có các giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa một cách hiệu quả nhất cho lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ cho phát triển năng lượng tái tạo của địa phương.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cải các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư
Cần xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, có sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp giảm thiểu sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực giữa các khu vực kinh tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Tích cực rà soát, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo nhanh, gọn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy trình giải quyết hồ sơ, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Công trình điện gió ở huyện Ea H'leo. Ảnh: H. Gia
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của hệ thống chính trị
Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng và cả hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong phát triển năng lượng tái tạo. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân; mở rộng sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành và thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật về năng lượng, đặc biệt tuyên truyền Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 15/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình thực hiện Nghị quyết.
Nguồn: daklak.gov.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0