Tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, hoạt động đầu tư và đấu thầu
Cập nhật lúc: 05/09/2024 16:02 92
Cập nhật lúc: 05/09/2024 16:02 92
Tại Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 01/9/2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 nêu rõ, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và mục tiêu của 09 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Chính phủ đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, hoạt động đầu tư và đấu thầu theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội và Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đế thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, bảo đảm các yêu cầu như thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, tạo lập khung khổ pháp lý đế thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo cơ chế thông thoáng thu hút nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp năng lượng sạch, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Hoàn thiện Báo cáo về tình hình và khó khăn, vướng mắc liên quan đến một số quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu tại hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật; xác định rõ các vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, nguyên nhân của các bất cập, vướng mắc; tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các cá nhân, tổ chức liên quan để hoàn thiện các chính sách trong Đề nghị xây đựng Luật; đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, đặc biệt là những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận của Nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức liên quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.
Rà soát kỹ nội dung sửa đổi, bổ sung tại 04 Luật nêu trên, nhất là những chính sách, nội dung mới được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Đề nghị xây dựng Luật (như: quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt; trình tự, thủ tục rút gọn trong điều chỉnh quy hoạch; mở rộng lĩnh vực đầu tư thực hiện dự án PPP, bổ sung một số trường hợp áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, các trường hợp chỉ định thầu...), bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá các quy định vướng mắc, bất cập của một số Luật khác có liên quan (nếu có) để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong dự án Luật này; bám sát quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ tại Luật Doanh nghiệp.
Tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật; hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, bảo đảm đánh giá đầy đủ, toàn diện các tác động tích cực, tiêu cực về kinh tế - xã hội, giới, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật của từng giải pháp để có cơ sở lựa chọn phương án khả thi, phù hợp với thực tiễn.
Chính phủ cơ bản thống nhất với nhiều nội dung phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật
Về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (hợp đồng BT), Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất sự cần thiết nghiên cứu để đổi mới, hoàn thiện cơ chế thực hiện hợp đồng BT. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học rà soát quy định về cơ chế hợp đồng BT đang được áp dụng tại một số địa phương thời gian qua, nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp để hoàn thiện cơ chế thực hiện loại hợp đồng này; đánh giá kỹ tác động tích cực, tiêu cực của từng giải pháp để đề xuất giải pháp khả thi, chặt chẽ, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Về lĩnh vực đầu tư, quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án: Chính phủ thống nhất đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc mở rộng, đa dạng hóa tối đa các lĩnh vực đầu tư, bãi bỏ quy định về quy mô vốn tối thiểu để thực hiện dự án PPP và nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án lên mức cao hơn 50% nhưng không quá 70% với một số điều kiện cụ thể theo quyết định của Thủ tương Chính phủ (đối với dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương) hoặc theo quyết định của Hội đồng nhân dân (đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương). Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng kết, đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm quy định khả thi, chặt chẽ, phù hợp nguyên tắc, bản chất của dự án ppp.
Về việc xử lý đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp: Chính phủ thống nhất cần sửa đổi, bổ sung để quy định rõ nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất cho việc giải quyết những vướng mắc đang tồn tại trên thực tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng kết thực tiễn, đánh giá đầy đủ khó khăn, vướng mắc, xác định đúng những trường hợp cần có quy định chuyển tiếp để xử lý trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai tại một số tỉnh, thành phố.
Về các nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu: Chính phủ thống nhất chủ trương phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, tổng hợp vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật, tiếp thu tối đa ý kiến phản ánh của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nhất là hoạt động mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế; rà soát, đánh giá đầy đủ tác động của việc mở rộng các trường hợp chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo đề xuất của các bộ, ngành, địa phương để có phương án xử lý phù hợp.
Về việc phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với dự án thuộc khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới: Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Di sản văn hóa để nghiên cứu nội dung phân cấp, phân quyền phù hơp, trến cơ sở bám sát quá trình sừa đổi Luật Di sản văn hóa và bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Về yêu cầu phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình xây dựng Luật: Chính phủ cơ bản thống nhất với nhiều nội dung phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10 năm 2024 theo quy trình 01 kỳ họp./.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0