Phát triển kinh tế số: Động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững
Cập nhật lúc: 24/05/2024 13:44 198
Cập nhật lúc: 24/05/2024 13:44 198
Phát triển kinh tế số với bốn trụ cột
Với mục tiêu đưa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức trung bình cao vào năm 2030, việc đẩy mạnh chuyển đổi số được xem là công cụ đắc lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và cũng là một trong những điều kiện cơ bản và tiên quyết.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), năm 2024 là năm “Phát triển KTS với bốn trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Năm 2024 cũng là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển KTS - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Trong đó, hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT (Internet vạn vật), hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số (dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng). Không gian mới là KTS; lực lượng sản xuất mới là công nghệ số; nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số; yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số; quan hệ sản xuất mới là quản trị số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.
Đại diện VNPT giới thiệu các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số tại Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk năm 2023. |
Chỉ tiêu được đặt ra trong lĩnh vực KTS năm 2024 sẽ có tổng doanh thu đạt 40 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng KTS nền tảng từ 20 - 25%. Tỷ lệ đóng góp của tổng các cấu phần KTS vào GDP đạt từ 19 - 20%. Tỷ trọng KTS trong từng ngành, lĩnh vực đạt 7,5%. Định hướng đến năm 2025, KTS chiếm trên 20% GDP cả nước, tăng trưởng từ 20 - 25%/năm, gấp ba lần tăng trưởng GDP. Tỷ trọng KTS trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.
Trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển KTS mà Bộ TT-TT đưa ra, vấn đề lựa chọn, tập trung phát triển KTS trong một số ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và nhiều không gian phát triển KTS như: nông nghiệp; thương mại điện tử và logistics; sản xuất công nghiệp; văn hóa và du lịch đã được nhấn mạnh.
Theo Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk năm 2024, tỉnh phấn đấu: kinh tế số chiếm 13% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 8%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%. |
Để thúc đẩy phát triển KTS, tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng cho rằng, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và khả năng tính toán được coi là hạ tầng mới, một loại năng lượng mới, và là năng lượng quan trọng nhất trong nền KTS.
Vì vậy, cần đẩy nhanh triển khai sóng 5G thương mại, trong đó đặc biệt tập trung vào 5G cho doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy quy hoạch và phát triển các siêu trung tâm dữ liệu tầm cỡ khu vực; tập trung nghiên cứu, hợp tác phát triển các ứng dụng và hoàn thiện hệ sinh thái chuyển đổi số cho các ngành trọng điểm như: sản xuất, giao thông, cảng biển, nông nghiệp, du lịch, y tế… dựa trên 5G và AIoT (trí tuệ nhân tạo vạn vật).
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để hình thành thị trường ứng dụng giải pháp chuyển đổi số ngành và cần có những đơn vị điển hình làm mẫu, dẫn dắt để tạo động lực cho các doanh nghiệp khác trong ngành cùng chung tay thúc đẩy KTS.
Nâng cao nhận thức
Đối với Đắk Lắk, thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số, phát triển KTS, xã hội số, trong thời gian qua, tỉnh đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ cụ thể.
Theo đó, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhằm xây dựng chính quyền số, phát triển KTS và xã hội số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và kế hoạch năm 2024.
Song song với đó là đầu tư hạ tầng số và ký kết biên bản hợp tác về chuyển đổi số với các công ty: VNPT, Viettel và FPT. Đặc biệt, hằng năm, Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành các kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Việc phát triển KTS đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc.
Khách hàng quét mã QR thanh toán trực tuyến để mua các sản phẩm OCOP tại Chợ phiên @BMT. Ảnh: Hồng Chuyên |
Để phát huy kết quả đạt được, hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu của tỉnh, trong thời gian tới, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách của tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, phát triển KTS, xã hội số. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.
Thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trong cấp ủy, chính quyền các cấp, thực hiện mục tiêu “5 không” (xử lý văn bản không giấy tờ, họp không gặp mặt, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính không tiếp xúc, thông tin không nhập nhiều lần, thanh toán không dùng tiền mặt).
Bên cạnh đó, Đắk Lắk sẽ triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh dựa trên nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử. Đảm bảo cho người dân được tiếp cận, sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu của đời sống, ưu tiên chuyển đổi số trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, nông nghiệp.
Nguồn: Baodaklak.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0