Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh: Thẳng thắn thảo luận tháo gỡ vướng mắc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Cập nhật lúc: 08/12/2023 16:43 274
Cập nhật lúc: 08/12/2023 16:43 274
Đại biểu đã chia thành 3 tổ thảo luận, tập trung vào các nhóm vấn đề về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; các báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cơ quan hữu quan trình tại kỳ họp.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Vạn Tiếp |
Quan tâm đến vấn đề thu ngân sách, đại biểu Lê Phú Hanh (Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin) cho rằng, thu ngân sách chưa đạt theo kế hoạch đề ra; trong đó thu biện pháp tài chính từ đất chủ yếu có 3 nguồn chính, thứ nhất là đấu giá quyền sử dụng đất, thứ hai là bán tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, thứ ba là chuyển mục đích sử dụng đất trong dân. Theo đại biểu, hiện nay chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dân còn gặp khó khăn do các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh, cụ thể: Công văn 5842/UBND-NN&MT ngày 8/7/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, Công văn 2641/UBND-TN&MT ngày 4/4/2022 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, Công văn 7792/UBND-TN&MT ngày 15/9/2022 về việc triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, quản lý quy hoạch, đất đai tại địa phương; Quyết định số 07/2022/QĐ-UBND ngày 21/01/2022 của UBND tỉnh ban hành quy định hạn mức một số loại đất; kích thước, diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân; việc rà soát, công bố công khai các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước trực tiếp quản lý trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Đại biểu đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế.
Đại biểu Lê Phú Hanh (Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin) phát biểu thảo luận. Ảnh: Vạn Tiếp |
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Lê Thị Thu Phương (Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Ana) nhận định, việc giải ngân chậm có 3 nguyên nhân chủ yếu, đó là thể chế chính sách, cách tổ chức triển khai thực hiện và đặc thù của năm 2023 là thu tiền sử dụng đất chậm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Ngoài ra cũng có nguyên nhân là chưa thực sự chú trọng đến công tác chuẩn bị đầu tư mà khó khăn vướng mắc đầu tiên là lập kế hoạch, giải phóng mặt bằng. Đây là vướng mắc, khó khăn kéo dài nhiều năm mà đến nay vẫn chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu.
Đại biểu Thu Phương đề nghị, thời gian tới cần quan tâm hơn nữa đến công tác chuẩn bị đầu tư công cũng như cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chủ đầu tư với các địa phương trong triển khai những dự án trên địa bàn. Nếu thực hiện tốt khâu chuẩn bị thì công tác đầu tư công sẽ đảm bảo theo kế hoạch, từ đó tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cũng đạt tiến độ đề ra.
Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: Vạn Tiếp |
Liên quan đến việc thực hiện các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đại biểu Y Car Ênuôl (Phó Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh) cho rằng, để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, đề nghị UBND tỉnh báo cáo và đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành định mức hỗ trợ đầu tư sử dụng ngân sách Trung ương phù hợp tình hình thực tế của tỉnh hiện nay đối với một số nội dung như: Định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chất lượng đất sản xuất, nguồn kinh phí và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nơi phù hợp với thổ nhưỡng, văn hóa phong tục của địa phương…, để làm cơ sở cho quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố sớm hoàn thành xây dựng phương án sử dụng đất chi tiết, đất thu hồi của các công ty lâm nghiệp, nông lâm trường giao địa phương quản lý, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất giải quyết nhu cầu thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo và đặc biệt khó khăn…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: Vạn Tiếp |
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung đầu tư công, điều chỉnh chủ trương đầu tư, các chương trình MTQG. Theo đại biểu, cần giảm bớt quy trình, thủ tục khi triển khai công tác cho chủ trương thực hiện các Chương trình MTQG. Đề nghị trên cơ sở danh mục các dự án đầu tư thực hiện các Chương trình MTQG của các địa phương, tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện và giao cho địa phương chủ động triển khai thực hiện.
Liên quan đến đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, đại biểu cho rằng, công tác cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, đặc biệt là cấp phép khai thác mỏ đất cấp phối ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ bản. Do vậy đề nghị có giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp phép.
Bên cạnh đó, theo đại biểu cần quan tâm, kiểm tra, giám sát chất lượng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng. Hiện nay, đầu tư thi công hệ thống vỉa hè, đô thị TP. Buôn Ma Thuột đang triển khai, tuy nhiên cần nghiên cứu cụ thể để thuận lợi để khi triển khai hạ tầng ngầm (ống nước, đường điện...) và phù hợp với hiện trạng, nhu cầu sử dụng hạ tầng của người dân. Việc thi công phải đảm bảo nhanh chóng, hạn chế tác động đến hoạt động kinh doanh, sinh hoạt và bề mặt đô thị...
Đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về các giải pháp căn cơ hơn để thực hiện giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS, giảm sự chênh lệch giữa các vùng; nâng cao chất lượng dạy học theo chương trình đổi mới sách giáo khoa, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng kỹ năng, thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục; nâng cao hiệu quả hoạt động cụm công nghiệp và các dự án thuộc cụm công nghiệp…
Nguồn: Báo Đắk Lắk
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0