Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên
Cập nhật lúc: 30/07/2020 08:57 488
Cập nhật lúc: 30/07/2020 08:57 488
Sáng ngày 18/7/2020, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, 12 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên và các hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Đề ra phương hướng giải quyết những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của vùng miền Trung và Tây Nguyên
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cáo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên; Tình hình giải ngân vốn đầu tư công; Các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Vùng, các địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2020, cùng với cả nước, các địa phương trong vùng miền Trung và Tây Nguyên cơ bản đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ kép là kiểm soát dịch thành công và phục hồi nền kinh tế; trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2020 tăng khá, sản xuất nông nghiệp ổn định, du lịch, dịch vụ đã có bước phục hồi, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thuộc các ngành dịch vụ tháng sau cao hơn tháng trước.
Tuy nhiên, qua số liệu đánh giá 6 tháng, kinh tế 2 vùng đang giảm nhanh, là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Một số ngành công nghiệp như công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, xây dựng, bất động sản giảm so với cùng kỳ. Du lịch, dịch vụ có bước hồi phục nhưng còn nhiều khó khăn, sức mua thị trường giảm, lao động bị mất việc làm, giãn việc tăng. Số vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 giải ngân chậm, số vốn chưa giải ngân của 2 vùng còn trên 34 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vùng miền Trung và Tây Nguyên đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức cần được nghiên cứu, thảo luận thấu đáo, nhất là trong bối cảnh “bình thường mới” để đề ra phương hướng giải quyết, nếu không sẽ trở thành những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của Vùng trong thời gian tới.
Cả 2 vùng đều có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển nhưng động lực tăng trưởng hiện nay còn yếu, nhất là vùng miền Trung vẫn chưa khai thác được thế mạnh về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay sẵn có. Bên cạnh đó, cả 2 vùng đều có nguy cơ thiếu nước ngọt và khô hạn ngày càng rõ rệt ảnh hưởng tới phát triển bền vững; sản xuất nông nghiệp vùng miền Trung và Tây Nguyên hiệu quả còn chưa cao; nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ chưa được chú trọng nên phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác thu hút các nguồn vốn đầu tư còn chưa đạt yêu cầu. Số lượng và chất lượng dự án đầu tư nguồn vốn FDI vào vùng còn thấp, chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, các dự án đã thu hút được chủ yếu vừa và nhỏ; tỷ lệ lấp đầy các KKT, KCN còn thấp.
Cùng với đó là thiếu sự liên kết vùng, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh và kiềm chế lẫn nhau, dẫn tới không thể liên kết được. Chất lượng nguồn nhân lực của 2 vùng còn thấp, công tác đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tế ngành nghề sử dụng lao động. Tỷ lệ hộ nghèo của các địa phương trong Vùng còn cao so với các Vùng kinh tế trọng điểm khác; trình độ phát triển giữa các vùng trong một địa phương và giữa các địa phương còn không đồng đều.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những khó khăn, thách thức nêu trên, 2 vùng này có những lợi thế mà không vùng nào có được mà nếu được phát huy sẽ là động lực cho sự hồi phục kinh tế và duy trì đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo.
Cả 2 vùng có kết cấu hạ tầng vùng khá đồng bộ: hệ thống đường bộ, đường biển, đường không, đường sắt; có đường cao tốc, hệ thống cảng biển; các Khu kinh tế, khu công nghiệp. Đồng thời, có tiềm năng về kinh tế biển, vùng ven biển để phát triển các ngành công nghiệp nặng (thép, cơ khí chế tạo, vận tải biển) là những ngành ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Quỹ đất chưa sử dụng của 2 vùng còn tương đối nhiều, còn dư địa để phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất mới. Đặc biệt, Nhân dân vùng miền Trung và Tây Nguyên có tinh thần đoàn kết, lao động cần cù sẵn sàng vươn lên vượt qua mọi khó khăn, gian khó.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tình hình kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu đang tiếp tục suy thoái nghiêm trọng, IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020 tăng trưởng âm tới 4,9%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nhận được những đánh giá, dự báo tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thì việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ ưu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, các địa phương phối hợp thực hiện một số giải pháp cụ thể. Một là, cần nhận thức đúng tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan, phải xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế cũng quan trọng như tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đoàn kết với quyết tâm cao hơn, phối hợp chặt chẽ hơn triển khai các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế trong ngắn hạn nhanh, mạnh, hiệu quả gắn với xu hướng thay đổi trong trung và dài hạn.
Hai là, các bộ, ngành, các địa phương cần tập trung cao độ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương các giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ba là, cần phát huy mạnh mẽ dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án lớn, trọng điểm để phục hồi nền kinh tế tránh rơi vào tình trạng suy thoái ngay trong năm 2020, khi đó sẽ phải mất nhiều chi phí và nhiều thời gian hơn để phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế và có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển cho đất nước. Tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất công nghiệp; ngành dịch vụ, du lịch; thu hút đầu tư FDI; tín dụng ngân hàng để góp phần duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất.
Về các giải pháp thúc đẩy và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2020. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ then chốt. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công quy định tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc giao kế hoạch vốn chi tiết cho các chương trình, dự án để giải ngân trước ngày 31/7/2020. Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án có quy mô phù hợp với năng lực của từng địa phương.
Đồng thời, chủ động ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; kế hoạch giải ngân và cam kết của chủ đầu tư đối với tiến độ giải ngân của từng dự án. Trường hợp giải ngân không đạt tiến độ, xem xét điều chuyển ngay vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo thẩm quyền.
Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2020. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị dự án đầu tư ngay từ giai đoạn lập đề xuất chủ trương đầu tư để khi được giao kế hoạch vốn là triển khai được ngay các bước tiếp theo thuận lợi, kịp tiến độ…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân của các dự án, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển số vốn chậm triển khai từ Bộ, địa phương giải ngân kém sang các Bộ, địa phương giải ngân tốt để sớm đưa nguồn vốn này vào nền kinh tế phục vụ mục tiêu kích cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Xây dựng chương trình hành động với thời gian cụ thể, quyết liệt, hiệu quả, giải pháp đột phá để phục hồi tăng trưởng
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các địa phương bên cạnh lo tổ chức Đại hội Đảng thì cũng phải lo cho phát triển, cho đời sống của người dân. Đồng thời, hoan nghênh quyết tâm của các địa phương miền Trung - Tây Nguyên đã cam kết đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể. Với vai trò, vị thế của mình, không chỉ là chiếc đòn gánh giữ cho đất nước cân bằng, miền Trung - Tây Nguyên cần phấn đấu là cực tăng trưởng để phát huy lịch sử hào hùng của bao nhiêu người đã chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất này. Không để tỉnh nào ở miền Trung - Tây Nguyên tăng trưởng âm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Các chuyên gia đều đánh giá sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên còn xa với những tiềm năng lợi thế vốn có do một số nguyên nhân khách quan như kết cấu hạ tầng chậm phát triển và có nguyên nhân chủ quan như môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn, năng lực cạnh tranh, đội ngũ cán bộ, sự liên kết của vùng còn yếu..., Thủ tướng nhấn mạnh.
6 tháng đầu năm 2020, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên có nhiều cố gắng, nhất là quyết tâm không để Covid-19 lây lan nhưng ngoài 3 tỉnh tăng trưởng âm thì các tỉnh còn lại tăng trưởng đạt thấp. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, điều đáng mừng là 12 tỉnh phát biểu tại Hội nghị đều thể hiện quyết tâm giải ngân 100% hoặc 90% trở lên trong năm 2020 và giải ngân vốn ODA đạt ít nhất 80%. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải xây dựng chương trình, lộ trình hành động với thời gian cụ thể, quyết liệt, hiệu quả, giải pháp đột phá trong 6 tháng cuối năm 2020 để phục hồi tăng trưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm, kể cả Phú Yên và Khánh Hòa phải nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng, thể hiện là cực tăng trưởng của khu vực và đất nước. Mục tiêu năm 2020, khu vực miền Trung - Tây Nguyên không thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế, thu hút dòng dịch chuyển vốn đầu tư thế giới. Không có đầu tư phát triển, không có doanh nghiệp phát triển thì không thể phát triển địa phương mình.
Các địa phương miền Trung - Tây Nguyên phải nghiên cứu, tận dụng các FTA, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, mở ra không gian mới về hợp tác thương mại đầu tư với các nước châu Âu.
Đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài và diễn biến khó lường, do vậy, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nơi có cửa khẩu, biên giới, cảng hàng không tuyệt đối không được chủ quan, theo dõi sát tình hình, kiên quyết không để dịch quay lại, lây lan trong cộng đồng. Đảng, Nhà nước "thấu hiểu" những khó khăn, thách thức với miền Trung. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng hành cùng chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân miền Trung - Tây Nguyên vượt qua khó khăn, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, chính quyền Trung ương bảo đảm môi trường vĩ mô ổn định, thúc đẩy mở rộng thị trường, sửa kịp thời, nghiêm túc, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật... Các Bộ trưởng tập trung xử lý kiến nghị của địa phương, không được để tình trạng “đi thăm địa phương thì có nhưng làm việc trực tiếp, xử lý tồn tại thì ít”. Chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng, tạo việc làm và lo an sinh xã hội. Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; thích nghi, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để tồn tại và phát triển. Đồng thời, phải có trách nhiệm với xã hội, chia sẻ khó khăn với Nhân dân, người lao động, cơ quan quản lý nhà nước.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của từng địa phương; kịp thời xử lý các phát sinh, vướng mắc, bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020. Kiên quyết thực hiện cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, hoặc triển khai chậm để điều chỉnh cho các dự án đầu tư công cấp bách. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để đầu tư các công trình hạ tầng cấp bách của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của vùng, của quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới; xem xét đưa Khu kinh tế Vân Phong vào nhóm các khu kinh tế ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư. Nghiên cứu Đề án liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh./.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0